ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH HÀ GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI TRỰC TUYẾN VỀ LĨNH VỰC GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

16/03/2018

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, ngày 15/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến với 11 huyện, thành phố chuyên đề về Giáo dục và Đào tạo. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 14 Triệu Tài Vinh và các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã thông báo với cử tri về dự kiến thời gian và nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14. Theo đó, Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 21/5/2018, bế mạc vào ngày 18/6/2018. Kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, cho ý kiến 11 dự án Luật; xem xét các báo cáo về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước; thông qua các Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, tập trung trí tuệ xây dựng pháp luật, cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang như: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học cho các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Hà Giang; Có cơ chế, chính sách đủ mạnh thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; rà soát lại các cơ chế, chính sách tránh chồng tréo, không thống nhất và khó thực hiện; quan tâm nâng cao chế độ chính sách đối với giáo viên vùng đặc biệt khó khăn.

Nhiều ý kiến của cử tri cũng đề nghị: Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm miễn học phí cho học sinh Mầm non ở vùng sâu vùng xa; hỗ trợ đối với học sinh thuộc hộ cận nghèo. Tăng mức kinh phí và cấp kịp thời cho chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học. Cùng với đó, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét chính sách hỗ trợ học sinh thuộc diện hộ nghèo khi triển khai nhất quán trong cả năm học, không xét lại giữa kỳ gây khó khăn cho các nhà trường khi thực hiện. Có hướng dẫn thống nhất thực hiện chính sách đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường dạy nghề cấp huyện khi sáp nhập. Cử tri cũng ý kiến về việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là cần thiết, nhưng khi ban hành quy định cần phải có lộ trình đào tạo và đào tạo lại.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vương Ngọc Hà tiếp thu và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến này sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp trình Quốc hội./.

(Truyền hình Hà Giang)