Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát Vũ Hồng Thanh chủ trì hội thảo
Nhằm tháo khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính trong việc sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, tháng 11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định này có nhiều quy định mới nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trong thời gian tới, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước; nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; quy định trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý sử dụng trước thời điểm quyết định cổ phần hóa; tăng cường thanh tra, giám sát kiểm toán để không xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cơ cấu lại, cổ phần hóa; giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để đổi mới quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.
Cục trưởng Cục Quản lý Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến trao đổi về một số điểm mới của Nghị định 126/2017/NĐ-CP
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành Nghị định 126, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng, một số nội dung trong Nghị định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội như quy định liên quan đến ngân sách, đất đai, việc sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp... Vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước để bổ sung những quy định này; đồng thời cần sớm nghiên cứu ban hành luật về cổ phần hóa để giải quyết những vướng mắc hiện nay.
Đại diện Bộ Giao thông- Vận tải cũng cho rằng các quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mới chỉ có các nghị định hướng dẫn, hiện chưa có hệ thống quy định cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ dưới hình thức luật để tạo hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện cổ phần hóa nhà nước. Do vậy, cần thiết nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức luật do Quốc hội ban hành để có thể xử lý toàn diện, triệt để các vấn đề khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu phát biểu tại hội thảo
Tán thành ý kiến của đại biểu Trần Quang Chiểu về vấn đề xây dựng luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, đây không phải vấn đề mới đặt ra mà trong quá trình giám sát của Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ đã đề cập đến. Bởi nhiều vấn đề mà Chính phủ ban hành trong nghị định, nghị quyết hay quyết định thuộc tầm của luật, trách nhiệm của Quốc hội như các vấn đề liên quan đến ngân sách, đất đai, thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, XIII Nguyễn Văn Phúc tán thành với việc sớm sửa đổi, hoàn thiện
các văn bản luật liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, thời gian tới đây, trong lúc chưa có luật thì sau giám sát, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về tình hình công tác cổ phần hóa và quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp nội dung sẽ giải quyết những vấn đề vướng mắc giữa các luật. Đồng thời, tiến tới nghiên cứu để sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hoặc sửa đổi chương về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi nội dung về doanh nghiệp nhà nước và bổ sung quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đề nghị chú trọng đến hiệu quả của thực hiện cổ phần hóa
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, nguyên tắc xây dựng Luật phải nhìn nhận quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là quá trình tái cơ cấu lại vốn và tài sản nhà nước chứ không chỉ đơn thuần thu hồi lại vốn nhà nước. Do đó, việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không nên chỉ chú trọng vào tiến độ, số lượng thực hiện mà cần tính đến hiệu quả sau cổ phần hóa, hiệu quả sử dụng tài sản của nhà nước. Ý kiến này cùng được các đại biểu bày tỏ nhất trí cao và bổ sung rằng trong các quy định của pháp luật không nên chỉ đề cập đến yêu cầu bảo đảm hiệu quả cổ phần hóa mà cần xác định rõ các tiêu chí đánh giá thế nào là hiệu quả nếu không sẽ rất khó thực hiện trên thực tế./.