BẢO ĐẢM TÍNH KHẢ THI, HIỆU QUẢ CỦA CÁC CHÍNH SÁCH TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO

31/05/2018

Sáng 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thế thao. Phát biểu tại hội trường, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần cụ thể hóa nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thể dục, thế thao; đồng thời phải tính đến tính khả thi, hiệu quả của chính sách trên thực tế.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

Cho ý kiến về các chính sách khuyến khích thúc đẩy thể dục thể thao, tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động thể dục thể thao, đại biểu Bùi Thị Thủy - Thanh Hóa, nêu rõ, chính sách chung của nhà nước về phát triển thể dục thể thao được quy định tại Điều 4 Luật Thể dục, thể thao và Điều 2 Nghị định 112 năm 2017 của Chính phủ. Ngoài ra, trong dự thảo luật sửa đổi lần này cụ thể hóa nhiều chính sách thể hiện ngay trong các điều luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục thể thao nước ta phát triển mạnh thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề chính sách có đem lại hiệu quả không, có đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện chính sách không đó là điều chúng ta quan tâm hơn.

Đại biểu dẫn chứng, đối với quy định về chính sách miễn giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục thể thao tại các cơ sở thể thao công lập cho một số đối tượng trong đó có đối tượng là người dân tộc thiểu số vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì đồng bào khó có thể được hưởng chính sách này.

Thực tế, sau 10 năm thực hiện Luật Thể dục thể thao, cả nước có khoảng 60 đến 70 xã, phường, thị trấn đã dành đất cho thể dục thể thao nhưng trong đó chỉ khoảng 30% xã phường có sân tập, nhà tập và chủ yếu tập trung tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có nơi không có quỹ đất, có nơi có đất thì không được đầu tư xây dựng cơ sở thể thao. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần thiết kế lại chính sách phù hợp, khả thi trong thực tế khi luật ban hành.

Đại biểu Bùi Thị Thủy đề nghị cần quan tâm đến tính hiệu quả của chính sách trong luật

Về chính sách đối với thể thao trong nhà trường, đại biểu Bùi Thị Thủy cho rằng, ngoài quy định các cơ sở thể thao công lập phối hợp cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường cần khuyến khích cơ sở thể thao ngoài công lập phối hợp các cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường. Quy định này nhằm huy động đầu tư đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong các nhà trường, điều này cũng phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Góp ý về quy định tại khoản 7 Điều 11 về đối tượng miễn, giảm giá phí khi sử dụng cơ sở thể dục, thể thao công lập, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn, đề nghị bỏ nhóm đối tượng liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu lý giải: Một là các xã này đồng bào hầu hết là nghèo, không có điều kiện để luyện tập và sử dụng các dịch vụ thể dục, thể thao. Hai là nếu có thì họ sử dụng công cụ thể dục, thể thao truyền thống của dân tộc. Ba là các vùng này thì hầu như rất ít cơ sở thể dục, thể thao công lập. Bốn là chỗ nào có thì không phải là các xã đặc biệt khó khăn nữa rồi.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng không nên quy định những chính sách mang tính hình thức trong luật

Chia sẻ với sự quan tâm của Ban soạn thảo đến đồng bào dân tộc thiểu số, song đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng quy định trên thực tế không thực hiện được nên việc quy định một điều luật mang tính hình thức, không thực tiễn là hơi khiên cưỡng không nên đưa vào trong luật.

Ngoài ra, đại biểu, Thượng tọa Lý Minh Đức (Lý Đức) - Sóc Trăng, bày tỏ thống nhất cao đối với sự sửa đổi, bổ sung về chính sách cho thể dục thể thao quần chúng và chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao. Bởi hoạt động thể dục thể thao có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân, trong khi các công trình phục vụ các hoạt động trên mang tính tự phát, chưa có chính sách cụ thể. Đại biểu chia sẻ mong muốn các chính sách được đưa vào điều chỉnh trong luật sẽ nâng ý thức và vai trò rèn luyện thể chất của toàn xã hội. Đặc biệt nội dung sửa đổi, bổ sung thể hiện sự quan tâm đến đối tượng người già, trẻ em và người khuyết tật, góp phần chăm lo đời sống tinh thần, sức khỏe về thể dục, thể thao quần chúng.

Đại biểu, Thượng tọa Lý Minh Đức tán thành với việc bổ sung về chính sách khuyến khích thể dục thể thao quần chúng

Đồng thời khuyến khích đối tượng tham gia lựa chọn một môn thể thao tập luyện thường xuyên, tạo điều kiện phát triển, phát huy phong trào thể dục, thể thao. Thông qua phong trào thể dục thể thao quần chúng giúp sớm phát hiện các tài năng trẻ tại địa phương, đào tạo, bồi dưỡng cho các vận động viên trẻ, bổ sung nguồn vận động viên chất lượng cho tỉnh và quốc gia./.

Bảo Yến - Nhóm ảnh