ĐỂ THỰC THI TFA HIỆU QUẢ CẦN SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP

29/06/2018

Ngày 28/6 tại Thanh Hóa, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia của Việt Nam và Hoa Kỳ, đại diện các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục cho ý kiến nhằm Nâng cao năng lực giám sát của Quốc hội trong việc thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu điều hành buổi hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Chính thức có hiệu lực từ ngày 22/2/2017, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO là cơ hội giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm chi phí thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thực thi đầy đủ các cam kết của các thành viên được kỳ vọng sẽ cắt giảm khoảng 14,3% chi phí thương mại và gia tăng thương mại toàn cầu lên khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm. Đánh giá về mức độ tuân thủ TFA tại Việt Nam, các đại biểu cho biết, phần lớn yêu cầu trong TFA đã được quy định trong pháp luật Việt Nam do nước ta đã thực hiện Công ước Kyoto về thủ tục hải quan với nội dung tương tự TFA. Hiện tổng cục Hải quan cũng đã bãi bỏ 19 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 46 thủ tục, giảm nhiều chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và đã cho phép doanh nghiệp nộp toàn hộ hồ sơ điện tử. Bên cạnh đó đã minh bạch và giảm thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội nói trên, việc thực thi Hiệp định TFA cũng có thể tạo ra một số thách thức mà chúng ta cần phải lường trước và có các những giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt theo các chuyên gia kinh tế vướng mắc lớn nhất của chúng ta hiện nay là hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa tương thích với Hiệp định TFA.

Đại biểu trao đổi tại hội thảo

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đại diện cho các ngành hàng, lĩnh vực như: sữa, thủy sản, dệt may, logictics cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn  chưa nắm được hết các quy định của các Hiệp định TFA và chưa tận dụng được tốt nhất các ưu đãi/cơ hội của các hiệp định này. Các doanh cho biết hiện nay một số Luật đã cũ, trong thời gian qua chúng ta có chỉnh sửa nhưng chỉnh sửa chưa được nhiều dẫn chứng như Bộ Luật lao động. Các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan làm luật cần sửa đổi bộ luật này để các doanh nghiệp tận dụng giai đoạn lao động vàng để phát triển đất nước.

Băn khoăn một số điều còn vướng mắc trong Hiệp định, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi yêu cầu các Bộ, ngành giải đáp như: trong hệ thống Xuất nhập khẩu thông quan có các hệ thống doanh nghiệp Việt Nam như: doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy, đánh giá của chuyên gia nước ngoài về độ vênh giữa các doanh nghiệp này để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng đc khi Hiệp định có hiệu lực? hay phân tích rõ ràng lợi ích cụ thể của Hiệp định trước và sau khi Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng hiện nay trong quan hệ đối ngoại và hợp tác với các nước, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, do đó hội thảo lần này cần phải giải quyết tốt những vướng mắc này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá sự tương thích về mặt pháp luật, yêu cầu nội luật hóa các điều khoản, cam kết của TFA, nhất là những điều khoản, cam kết có thể có xung đột với các đạo luật của Việt Nam…Bên cạnh đó các đại biểu cũng cho rằng để việc thực thi TFA thật sự đem lại hiệu quả, thì doanh nghiệp và Nhà nước phải cùng làm. Nhà nước có chức năng sửa đổi các quy trình, quy định pháp luật trong nước cho phù hợp với TFA, còn doanh nghiệp có nhiệm vụ cùng với Nhà nước rà soát và khuyến nghị sửa đổi các quy định đó phù hợp. Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư, TFA sẽ là một sức ép, một cú hích thực sự cho việc cải cách thủ tục hải quan triệt để của Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các lợi ích từ thương mại quốc tế, đặc biệt từ các cam kết mở cửa thương mại tự do sắp tới. /.

Diệu Huyền - Trung Hiếu