ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH SƠN LA GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN HUYỆN MƯỜNG LA

26/07/2018

Ngày 25/7, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quàng Văn Hương, cùng Đoàn công tác đã giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 giai đoạn 2011-2017 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Mường La.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Mường La

Thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn huyện Mường La đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo 1956 huyện đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp cùng với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) mở các lớp đào tạo nghề, như: Nông lâm tổng hợp; kỹ thuật nuôi lợn; kỹ thuật trồng trọt; kỹ thuật nuôi thủy sản; kỹ thuật may công nghiệp, dân dụng; nề xây dựng... Sau 7 năm thực hiện, đã mở 22 lớp đào tạo nghề cho 653 học viên. Sau đào tạo nghề, lao động được giải quyết việc làm (chủ yếu là giải quyết việc làm tại chỗ, số ít thành lập nhóm thợ đi làm thuê).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc rà soát nhu cầu học nghề, báo cáo định kỳ ở cấp xã còn hạn chế. Các xã, thị trấn chưa định hướng được đào tạo nghề gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đào tạo nghề chưa gắn với tạo việc làm, chưa bao tiêu được sản phẩm đầu ra...

Tại buổi làm việc, huyện Mường La kiến nghị với Đoàn các vấn đề tăng cường bố trí nguồn vốn thực hiện Đề án... Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của huyện; đồng thời, đề nghị huyện tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; định hướng công tác dạy nghề, tư vấn, hướng nghiệp, khảo sát và lập kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và có dự báo thị trường; quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình phù hợp với điều kiện từng địa phương...

Trước đó, Đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 tại thị trấn Ít Ong, xã Chiềng San và Trung tâm GDNN-GDTX huyện./.

(Báo Sơn La)