Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai.
Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các cơ quan liên quan thuộc Bộ Y tế, đại diện các sở, ngành, quận, huyện thuộc thành phố.
Phát biểu nêu vấn đề, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai đề nghị, các đại biểu nêu những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng trong thời gian tới…
Báo cáo tình hình triển khai và kết quả công tác y tế dự phòng trên địa bàn TP. Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh trình bày cho biết, hiện nay, hệ thống y tế dự phòng đang được giao nhiều nhiệm vụ rất quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật quy định các hoạt động y tế dự phòng khá đầy đủ; các hướng dẫn thực hiện chuyên môn nghiệp vụ, tài chính cũng tương đối đầy đủ và kịp thời. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại cả về cơ chế tài chính và chuyên môn.
Đồng tình với báo cáo, các đại biểu tiếp tục nêu ý kiến về các vấn đề quan tâm. Nhiều đại biểu kiến nghị, Chính phủ có cơ chế thu hút bác sĩ về công tác tại hệ thống y tế dự phòng, cùng đó là quan tâm chế độ lương, chính sách sử dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện cho các bác sĩ phát triển. Công tác phòng, chống bệnh cần được đầu tư bài bản, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự chủ động phòng chống và phải có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan. Một số ý kiến mong muốn, thành phố có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí tại Hà Nội để nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, 14 ý kiến phát biểu tại hội nghị đã đề cập đến nhiều vấn đề của công tác y tế dự phòng. Trao đổi cụ thể vào một số nội dung, đồng chí cho biết, sau buổi tiếp xúc cử tri này, trong thời gian hoàn thiện lại các tổ chức trung tâm y tế, UBND thành phố giao Sở Y tế Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng ngay quy chế phối hợp giữa trung tâm y tế với các quận, huyện trong việc chăm sóc sức khỏe đời sống nhân dân cũng như phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Về chính sách khuyến khích cán bộ y tế dự phòng, UBND thành phố đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tiếp tục có ý kiến với Chính phủ, bộ, ngành trung ương để tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống pháp luật, từ đó có chính sách thu hút nhân lực phù hợp. TP. Hà Nội cũng sẽ tổng hợp, trình HĐND thành phố ra nghị quyết chuyên đề để thời gian tới ngoài chính sách chung của trung ương, thành phố sẽ có chính sách thu hút được lực lượng bác sĩ có trình độ chuyên môn, ngành nghề phù hợp về làm công tác y tế dự phòng. Về vấn đề ô nhiễm không khí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, thành phố tiếp tục quan tâm nghiên cứu giải pháp, trong đó, chú trọng các giải pháp liên quan đến giao thông, hạn chế tiếng ồn…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố lựa chọn chuyên đề này bởi đây là việc quan trọng nhưng đang còn nhiều bất cập, cần lắng nghe, phản ánh với Quốc hội. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, đồng chí cảm ơn các đại biểu đã đến dự đông đủ, phát biểu ý kiến tâm huyết đề cập đến nhiều khía cạnh của y tế dự phòng.
Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Đoàn sẽ tập hợp các ý kiến thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương để đề nghị khi ban hành các thông tư, nghị định cần xem xét phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng chí cũng đề nghị, UBND TP. Hà Nội rà soát lại tất cả các cơ chế trong lĩnh vực y tế để rút ra được xem đến thời điểm này chính sách nào cần bổ sung, thay thế. Từ đó kiến nghị với Thành ủy, HĐND thành phố điều chỉnh. Đồng chí cho biết, hiện thành phố có 48 dự án đang triển khai trên địa bàn theo hình thức xã hội hóa, vậy cần đánh giá xem chương trình liên kết giữa các bệnh viện ra sao, các dự án đầu tư vào lĩnh vực y tế mà không thuộc ngân sách cũng cần rà soát lại xem tiến độ đến đâu… để kịp thời điều chỉnh chính sách, sao cho đầu tư thỏa đáng mà không lãng phí. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân về công tác phòng chống dịch. Đồng chí cho rằng, thời gian qua công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết đã được triển khai khá hiệu quả khi có tới 95% hộ dân được phun thuốc cho thấy ý thức người dân rất tốt./.