ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH SƠN LA GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

27/07/2018

Ngày 26/7, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quàng Văn Hương, cùng Đoàn công tác đã giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 giai đoạn 2011-2017 tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 giai đoạn 2011-2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm

Thực hiện Đề án 1956, thời gian qua, các đơn vị đã phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, như: Chăn nuôi, nông - lâm nghiệp tổng hợp, gò hàn, sửa chữa máy, may công nghiệp, may dân dụng.v.v. Cụ thể, Cơ sở điều trị nghiện ma túy đã mở 36 lớp nghề sơ cấp, thu hút 1.128 học viên tham gia; Trung tâm Dịch vụ việc làm mở 24 lớp nghề phi nông nghiệp cho 780 người; Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ mở 5 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho hơn 150 học viên. Sau đào tạo, một số làm việc trong các doanh nghiệp liên kết; số khác tự tạo việc làm tại các mô hình có sẵn tại địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án còn gặp nhiều vướng mắc như: Chỉ tiêu đào tạo nghề còn thấp so nhu cầu ở một số ngành; nhận thức của một bộ phận học viên về học nghề chưa tốt, chưa chủ động học và tìm kiếm việc làm sau đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành còn thiếu và lạc hậu; đào tạo nghề chưa gắn với tạo việc làm, nhất là đối với học viên nghiện ma túy...

Tại buổi làm việc, các đơn vị đã đề xuất, kiến nghị các vấn đề: Tăng vốn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở đào tạo...  Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các đơn vị; đồng thời, đề nghị các đơn vị tập trung tuyên truyền chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các nguồn vốn ưu đãi cho lao động sau đào tạo; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức và địa phương tìm đầu ra cho lao động; định hướng công tác dạy nghề, tư vấn, hướng nghiệp và xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị..../.

(Báo Sơn La)