THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

30/08/2018

Sáng 30/8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/thành phố; đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Văn phòng Chính phủ; đại diện một số bộ, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này.

Trình bày Tờ trình của Dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, rượu, bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế. Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Trên thực tế, tình hình sử dụng rượu, bia đang ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Do đó, rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế trình bày tờ Trình

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự kiến bố cục Dự án Luật gồm 7 chương, 35 điều quy định về biện pháp giảm mức tiệu thụ; biện pháp quản lý chặt chẽ việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống tác hại của rượu, bia.

Thảo luận tại cuộc họp, các Thành viên Ủy ban cho rằng, cơ bản nội dung của Dự thảo đã đảm bảo được yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cụ thể trong Dự thảo Luật cần được nghiên cứu, xem xét cho kỹ lưỡng để đảm bảo sự thống nhất của Dự luật với các Bộ luật, Luật trong hệ thống pháp luật hiện hành; đảm bảo tính khả thi của từng quy định khi luật đi vào cuộc sống. Một số ý kiến cũng nhận định, trước những tác hại của việc lạm dụng rượu bia như hiện nay, việc ra đời của Dự thảo Luật để có những biện pháp mạnh mẽ, chặt chẽ giảm thiểu tình trạng này là điều cần thiết. Tuy nhiên không vì những tác hại của rượu bia mà phủ nhận sạch trơn những thành tựu, đóng góp của ngành rượu bia trong cho ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong nhiều năm qua.

Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp

Đi vào chi tiết, một số đại biểu cho rằng, cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về tên Luật. Cụ thể, nếu dùng tên gọi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thì mặc nhiên khẳng định tượu bia chỉ có tác hại, không có chút lợi ích gì, trong khi nếu sử dụng ở mức độ vừa phải, liều lượng chuẩn, thời gian đúng thì rượu, bia cũng có một số lợi ích nhất định. Do đó một số đại biểu đề nghị cân nhắc nên sử dụng tên Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Ngoài ra, thảo luận tại cuộc họp, một số đại biểu cho rằng Dự luật còn mang tính chất hàn lâm, nếu quy định như Dự luật thì khi đi vào thực tế cuộc sống còn phải cân nhắc nhiều. Cụ thể như tại Điều 3 dự thảo Luật quy định: thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia; ưu tiên các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp rượu bia; từng bước giảm mức sản xuất rượu thủ công không đăng ký kinh doanh. Các đại biểu nhấn mạnh, “từng bước” là đến khi nào, 5 năm hay 10 năm hoặc lâu hơn nữa, cách quy định này còn mang tính định tính, chưa rõ ràng, gây khó hiểu trong quá trình thực hiện…

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành có liên quan. Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo khắc phục tình trạng chậm gửi văn bản về hồ sơ dự án luận; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, đảm bảo tính khả thi để luật có sức sống khi đi vào thực tiễn.

Hồ Hương