THẢO LUẬN TỔ 03: CẦN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VÀ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA TỪNG ĐỊA PHƯƠNG

25/10/2018

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành hai buổi trong các ngày 23-24/10 để thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ.

Tại tổ số 03 gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh và Tp. Cần Thơ. Các đại biểu cho rằng cần tập trung giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản khắc phục tình trạng được mùa mất giá thông qua việc xây dựng thương hiệu, tập trung xuất khẩu nông sản giá trị cao.

Thảo luận tại tổ 03 (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh và Tp. Cần Thơ)về tình hình kinh tế - xã hội hàng năm và giữa kỳ

Trao đổi về vấn đề nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ, cho biết, theo báo cáo năm 2018 công tác xuất khẩu nông sản tăng rất tốt. Năm 2017 xuất khẩu khoảng 36,5 tỷ USD. Năm 2018 dự kiến xuất khẩu khoảng 40 đến 40,5 tỷ USD. Đại biểu nhấn mạnh, điều rất đáng mừng là một số sản phẩm nông sản mới đã có thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chia sẻ, xuất khẩu nông sản từ lâu nay vẫn luôn đối mặt với nhiều khó khăn, các rào cản về kỹ thuật, thuế quan của các nước nhưng xuất khẩu vẫn tăng cho thấy nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp và của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất năng động, cố gắng lớn trong giải quyết các khó khăn, đẩy ngành nông nghiệp trong nước đi lên.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, cái khó nhất của ngành nông nghiệp là thương hiệu nông sản. Hiện nay đến 90% nông sản xuất thô. Nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng của Việt Nam như cá tra, cá basa, cà phê…nhưng thương hiệu là của nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

Đại biểu cho rằng, nếu có thương hiệu cùng với lượng xuất khẩu đó thì giá trị có thể tăng gấp đôi và nếu cải tiến nông nghiệp công nghệ cao tăng sản lượng với cùng một diện tích thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này, nếu không cải thiện thì phát triển kinh tế các vùng trọng điểm nông nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần có báo cáo thêm về tiến trình xây dựng các thương hiệu nông sản chủ lực đến đâu và lộ trình đến bao giờ thực hiện xong.  

Đại biểu dẫn chứng số liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 50% sản lượng gạo quốc gia; 90% gạo xuất khẩu là từ đồng bằng sông Cửu Long; 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản khai thác và 74% giá trị và sản lượng thủy sản nuôi trồng. Với tình hình đó, nỗ lực tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng diện tích, tăng sản lượng nhưng giá trị thực không tăng là điều rất đáng tiếc.

Đại biểu đề nghị Chính phủ sau khi sơ kết 3 năm nên có sơ kết chuyên đề về phát triển kinh tế- xã hội các vùng trọng điểm, vùng đặc thù để thấy được tình hình cụ thể, chính sách nào đang có tác động phát triển, chính sách nào chưa có cần bổ sung những gì.

Đại biểu Thạch Phước Bình tại phiên thảo luận tổ

Có cùng mối quan tâm về vấn đề nông nghiệp, đại biểu Thạch Phước Bình – đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, nêu rõ, vấn đề đầu ra của nông sản, điệp khúc được mùa mất giá lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong khi đó sự hỗ trợ, sự dẫn dắt của chính quyền rất hạn chế chủ yếu bà con nông dân tự bơi tình hình rất khó khăn.

Đại biểu bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ quan tâm có chính sách tháo gỡ vấn đề này. Đại biểu cũng đề xuất nên chỉ đạo theo hướng mỗi địa phương có một sản phẩm nông sản chủ lực để xuất khẩu tham gia thị trường thế giới. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến tình trạng nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi các nước bị trả lại để có hướng chỉ đạo xử lý.

Bảo Yến

Các bài viết khác