ĐBQH PHẠM VĂN HÒA - ĐỒNG THÁP: CẦN GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ NHỮNG VẤN ĐỀ CỬ TRI KHIẾU NẠI TỐ CÁO

14/11/2018

Sáng ngày 14/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe báo cáo liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân năm 2018. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cần phải giải quyết triệt để những vấn đề cử tri khiếu nại tố cáo, có như vậy tình hình khiếu nại vượt cấp mới lắng dịu...

Theo Báo cáo cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ đã có nhiều chính sách lãnh đạo, thường xuyên đôn đốc chỉ đạo sát sao các bộ ngành địa phương đã có nhiều cố gắng cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều vụ việc phức tạp kéo dài đã được tập trung chỉ đạo giải quyết. Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng lãng phí củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước tạo ra sự ổn định chính trị xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình khiếu nại tố cáo của công dân trong năm nay tăng cả về số lượng công dân đến cơ quan hành chính khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị và tăng cả về số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước.

Để có một cách nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về tình trạng số lượng khiếu nại tố cáo của công dân trong năm nay tăng hơn nhiều so với những năm trước?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Đảng và Nhà nước, các cơ quan phụ trách giải quyết khiếu nại, tố cáo cần có cách đánh giá khách quan, với mức độ tình trạng khiếu nại tố cáo của nhân dân tăng mà cách giải quyết của các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết chưa triệt để sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề xã hội, vấn đề việc làm. Các cơ quan trung ương, Chính quyền địa phương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan cần giải quyết triệt để, công bằng những vấn đề cử tri khiếu nại, những vấn đề bức xúc trong nhân dân, những vấn đề xã hội quan tâm tâm. Chỉ có như vậy tình hình khiếu nại, khiếu nại vượt cấp mới được lắng dịu.

Phóng viên: Tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp vẫn còn tồn tại, những vấn đề khiếu kiện chủ yếu vẫn tập trung vào đất đai. Theo đại biểu, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Người dân còn những khiếu nại vượt cấp lên các cơ quan trung ương, tụ tập đông người, thậm chí có những cá nhân quá khích treo băng rôn biểu ngữ đả kích cán bộ, nói xấu cán bộ... Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan nhà nước cần thanh tra kiểm tra, đảm bảo giải quyết đúng quy định, đúng quyền lợi cho người dân. Ngoài ra, cần có sự chấn chỉnh, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu cần tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Vai trò giám sát của các cơ quan tại địa phương là vô cùng quan trọng. Theo đại biểu, để xảy ra tình trạng khiếu kiện khiếu nại thì vai trò của người đứng đầu tại địa phương như thế nào trong hoạt động này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương là rất quan trọng trong việc giải quyết những tâm tư nguyện vọng và những quyền lợi thiết thực, chính đáng của người dân. Người đứng đầu của điạ phương cần sắp xếp thời gian tiếp xúc với những đối tượng khiếu nại tố cáo, giúp họ có thể hiểu rõ được tình hình. Đặc biệt với cán bộ tiếp công dân cần phải có năng lực trình độ và kinh nghiệm để tiếp những công dân khiếu kiện nhiều lần kéo dài và khiếu kiện vượt cấp, tránh quá khích, quá xúc động trong quá trình tiếp xúc công dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đại biểu!

Mai Trang