PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỖ BÁ TỴ THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI HÀ GIANG

21/12/2018

Chiều ngày 20/12, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có chuyến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang.

Tham gia đoàn công tác có các Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh, Trưởng ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cùng đại diện Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và xã hội…

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, lãnh đạo tỉnh uỷ Hà Giang cho biết, năm 2018, cơ cấu kinh tế Hà Giang chuyển dịch dần theo hướng tích cực, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 6,76%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2100 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2017. Diện tích rừng trồng mới đạt gần 7000ha, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 56,5%. Đến nay, Hà Giang đã có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục được chú trọng. Mạng lưới y tế các tuyến tiếp tục được củng cố. Chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được nâng cao, toàn tỉnh có 198 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác quy tập hài cốt liệt sỹ được tỉnh đặc biệt quan tâm. An ninh quốc phòng và đối ngoại được thực hiện tốt. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được tỉnh uỷ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo. năm 2018, không có khiếu kiện kéo dài. Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực tham gia phát biểu đóng góp vào các dự án Luật và các vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo, tiếp xúc cử tri được thực hiện thường xuyên, đúng quy định.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy Hà Giang 

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, chia vui, đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và những thành tích mà Đảng Bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đạt được trong những năm qua, nhất là năm 2018.

Với mong muốn Hà Giang sẽ tiếp tục có nhiều thành công, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn” mà Đại hội XVI của tỉnh đã đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị tỉnh Hà Giang thực hiện tốt một số nội dung, đó là:

- Cần bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để cụ thể hóa các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc quyết định các chủ trương lớn về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh cần bám sát đặc điểm, điều kiện đặc thù, trên cơ sở xác định đúng lợi thế so sánh, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với địa phương, bảo đảm tính khả thi. Tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc theo tinh thần sâu sát, hiệu quả, thiết thực; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.  Đề nghị tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 2 khâu đột phá và 5 chương trình trọng tâm như Đại hội tỉnh đã đề ra để phấn đấu xây dựng Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi.

- Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước, tin gọn, hiệu lực hiệu quả. Việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh phải bám sát các chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đồng thời phải sát hợp với thực tế ở địa phương, tránh việc làm cơ học, hình thức. Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ.

- Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và sự đóng góp của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển cân đối hợp lý giữa các lĩnh vực trồng trọt - chăn nuôi - lâm nghiệp; phát triển các loại cây, rau, thảo dược theo chuỗi công nghệ cao, thân thiện, giá trị cao; phát triển công nghệ chế biến lâm sản; gắn kết chuỗi giá nông sản trị từ khâu sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ - thương mại hóa sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo phương châm đặt hàng đến sản phẩm cuối cùng. Cùng với đó, cần quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên khoáng sản, đảm bảo hiệu quả; bảo vệ tốt môi trường, không đánh đổi môi trường trong quá trình phát triển.

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia. (Hà Giang có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tạo nên sức cuốn hút đặc biệt đối với khách du lịch yêu thích khám phá thiên nhiên, địa chất, địa mạo; nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu năm 2010 và tái công nhận năm 2014. Thêm vào đó là nét đa dạng trong văn hóa truyền thống của 19 dân tộc trong tỉnh có sức lôi cuốn du khách muốn tìm tòi, khám phá, cảm nhận các sắc thái, nét đẹp cộng đồng gắn với tri thức bản địa.

- Thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo nhanh và bền vững; tạo động lực, khuyến khích các tầng lớp nhân dân làm giàu và cơ hội để hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thực hiện tốt việc lồng ghép, đa dạng hóa các nguồn lực, ưu tiên cho các vùng khó khăn, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.Tập trung giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động, nhất là các huyện biên giới. Kết hợp chặt chẽ giữa hướng nghiệp với dạy nghề và giải quyết việc làm.

- Đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo, phát huy nội lực; sử dụng nguồn lực có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, củng cố mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, động viên con em đồng bào đến trường, hỗ trợ tối đa cho giáo viên cắm bản, cắm trường. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao.

- Tăng cường công tác đối ngoại, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng biên giới hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển, chú trọng nắm bắt thông tin và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động tôn giáo; giải quyết kịp thời các vấn đề về an ninh nông thôn được, đúng quy định và đảm bảo phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc; kiên quyết, quyết liệt điều tra, giải quyết các vụ án việc nghiêm trọng, phức tạp, góp phần làm giảm một số loại tội phạm (nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người); chủ động nắm bắt thông tin để tham mưu cho đảng, chính quyền xử lý các vấn đề về quốc phòng, an ninh không để xảy ra bị động bất ngờ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy

Đã từng chiến đấu, gắn bó với Hà Giang nhiều năm, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang tiếp tục huy động mọi nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách làm tốt hơn nữa công tác tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử, trong đó có Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, làm  tốt hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải làm tốt công tác giáo dục để thế hệ trẻ luôn trân trọng xương máu của thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của Chính quyền, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, của các tỉnh trong khu vực và cả nước, Hà Giang sẽ đạt nhiều kết quả hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với truyền thống của mảnh đất địa đầu anh hùng. 

Chiều cùng ngày, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, lãnh đạo Tỉnh uỷ tỉnh Hà Giang đã tới dâng hương Đài tưởng niệm 468, thăm hỏi cán bộ chiến sỹ Đoàn kinh tế Quốc phòng 313, Quân khu II và Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ./.

Thanh Toàn - Cao Hoàng