LUẬT CHĂN NUÔI: TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT HUY LỢI THẾ SO SÁNH NGÀNH CHĂN NUÔI VIỆT NAM

26/12/2018

Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 83 điều, được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 với nhiều điểm mới. Luật được ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ kinh tế, xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu an ninh thực phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Chăn nuôi

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, Luật Chăn nuôi quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi trên tinh thần phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh và xã hội hóa, tạo tối đa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội hóa hoạt động chăn nuôi, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi.

Luật quy định cụ thể nội dung Nhà nước đầu tư, Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh và nguồn lực quốc gia, trên cơ sở căn cứ Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Quy định cụ thể các điều kiện sản xuất, kinh doanh

Luật Chăn nuôi đã cụ thể hóa các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và cân đối thị trường sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, quy định các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn phải được cấp giấy đủ điều kiện trước khi tiến hành chăn nuôi. Người chăn nuôi phải thực hiện việc kê khai chăn nuôi với chính quyền cấp xã vừa hỗ trợ cho hoạt động thống kê và tạo thói quen tốt để người chăn nuôi quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh chăn nuôi.

Quy định chặt chẽ về quản lý chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi. Theo tinh thần của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, tổ chức, cá nhân kinh doanh tự công bố chất lượng sản phẩm và phải chịu trách nhiệm trước người sử dụng và trước pháp luật về chất lượng sản phẩm sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu trong quy chuẩn kỹ thuật do Nhà nước ban hành.

Nghiêm cấm bơm nước vào thịt gà, vịt nhằm gian lận thương mại

Hình ảnh gà, vịt được bầy bán tại các chợ căng tròn do bị bơm nước vào thân để tăng khối lượng khi bán đã không còn xa lạ. Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi, thay vì 7 hành vi như trong Pháp lệnh về giống vật nuôi 2014. Đáng chú ý là các hành vi cấm sau:

- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng;

- Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi (trong đó có lợn, gà, vịt,…) nhằm mục đích gian lận thương mại;

- Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 có nhiều quy định đảm bảo phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị.

 

Chuồng chăn nuôi nông hộ phải tách biệt nơi ở của người

Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 không quy định các điều kiện cụ thể về quy mô chăn nuôi. Điều 52 Luật Chăn nuôi 2018 quy định quy mô chăn nuôi gồm có: Chăn nuôi trang trại (chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ); Chăn nuôi nông hộ.

Bên cạnh 6 điều kiện chăn nuôi trang trại, Luật Chăn nuôi 2018 quy định chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng 3 yêu cầu sau:

- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;

- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;

- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi 2018 còn quy định việc chăn nuôi trang trại phải có biện pháp xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi trang tại và nông hộ; Quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;… để từng bước kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giải quyết vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. 

Xuất, nhập khẩu giống vật nuôi thông thoáng hơn

Hiện nay, hoạt động chăn nuôi xả ra môi trường khối lượng chất thải lớn, ước tính khoảng 85 triệu tấn chất thải rắn và trên 200 triệu mét khối chất thải lỏng mỗi năm. Vì vậy, Luật quy định rõ chất thải phải được xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường. Cùng với đó, các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi cũng theo hướng thông thoáng, mở cửa, phù hợp với Luật Thương mại và các cam kết quốc tế, cũng như xu hướng hội nhập quốc tế. Đối với các giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nằm ngoài danh mục cấm thì tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh không phải xin phép, khi xuất, nhập khẩu chỉ phải thực hiện kiểm dịch. Trình tự, thủ tục trao đổi các nguồn gene quý hiếm, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi được quy định cụ thể theo hướng đơn giản, thuận tiện.

Luật quy định các danh mục cấm và bỏ quy định danh mục được phép sản xuất, kinh doanh. Ngoài danh mục cấm, người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh, không phải xin phép. Quy định này phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2014: Người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.

Từ thực tiễn thi hành, Luật lần này cũng bỏ bớt những trường hợp phải khảo nghiệm, vì khảo nghiệm là việc của tổ chức, cá nhân, Nhà nước không cần quy định, trừ trường hợp chứa yếu tố mới có nguy cơ xâm hại đến môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Quy định về chăn nuôi động vật khác ngoài gia súc, gia cầm mà người dân được phép chăn nuôi, như chim yến, ong mật, chó, mèo, hươu sao và động vật khác ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp.

Quy định cụ thể các thủ tục hành chính mà công dân, doanh nghiệp cần thực hiện với cơ quan quản lý như trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu… Quy định đầy đủ, cụ thể hơn việc đối xử nhân đạo với vật nuôi mà các nước trên thế giới thường thể hiện là phúc lợi vật nuôi. Trong đó, quy định rõ việc đối xử nhân đạo với vật nuôi trong tất cả các hoạt động có liên quan giữa con người với vật nuôi. Đó là hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và nghiên cứu khoa học vật nuôi.

Với nội dung quản lý nhà nước, Luật quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý các cấp từ Chính phủ tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ UBND cấp tỉnh đến cấp xã. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân khi có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi./.

Lê Phương - Lan Hương