CÂN NHẮC QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI THƯ VIỆN

14/03/2019

Sáng ngày 13/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thư viện. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn về việc phân loại thư viện theo chủ thể thành lập như thư viện công lập và thư viện ngoài công lập như trong dự thảo.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập: chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp. Do đó, việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Điều 5 dự thảo Luật phân loại thư viện theo chủ thể thành lập, gồm thư viện công lập và thư viện ngoài công lập. Cách phân loại này thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tuy nhiên, chưa bao quát và chưa rõ về mô hình tổ chức của các loại hình thư viện, nhất là thư viện trường học trên thực tế có sự khác nhau giữa các cấp học về quy mô, tính chất hoạt động.

Theo xu hướng chung trên thế giới, thư viện được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ. Theo phân loại này sẽ giúp cho việc hình thành mạng lưới thư viện, xác định rõ hơn tính đặc thù, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của từng thư viện để có chính sách đầu tư hiệu quả.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có quy định phù hợp.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về việc phân loại thư viện theo chủ thể thành lập như thư viện công lập và thư viện ngoài công lập. Có ý kiến cho rằng việc xây dựng thư viện số hay kho tài nguyên số đang là xu hướng phát triển của thư viện hiện đại, đặc biệt khi thói quen và phương thức tiếp nhận thông tin của xã hội có rất nhiều thay đổi. Do đó, để phù hợp với xu thế chung, dự án luật cần quy định rõ về bản quyền trong thư viện số/số hóa tài liệu, về phát triển thư viện số và việc đầu tư phát triển thư viện số, bởi đây là những vấn đề vướng mắc trong việc phát triển thư viện số hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên thảo luận

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, trong Luật này, cần xác định rõ phân loại thư viện theo hình thức nào: theo chức năng, nhiệm vụ; theo hình thức sở hữu công lập và không công lập; hay theo cấp độ quan trọng, theo mục đích sử dụng. Ban Soạn thảo cũng như Ủy ban thẩm tra cần cân nhắc phân loại như thế nào để có thể bao trùm hết những vấn đề về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam.

Điều 5 về phân loại thư viện, dự thảo Luật chỉ phân 2 loại công lập và ngoài công lập. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, dự thảo Luật phân loại như vậy để đề cập đến vấn đề đầu tư công. Công lập có nghĩa nhà nước phải đầu tư, ngoài công lập là dân đầu tư. Thư viện công lập bao gồm thư viện quốc gia và thư viện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập là đúng, nhưng thư viện công cộng do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập thì chưa hợp lý. Ủy ban nhân dân các cấp không lẽ không phải là cơ quan nhà nước.

Vân Ngọc