PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU DỰ TỌA ĐÀM VỀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

15/03/2019

Ngày 15/03, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Toạ đàm về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Thực tiễn những năm qua cho thấy tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân thương mại diễn ra khá phổ biến và nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Việc xử lý các hành vi vi phạm bằng chế tài hành chính, dân sự không đủ tính răn đe, phòng ngừa tái phạm, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm. Do đó việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là cần thiết và phù hợp.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Luật Thi hành án hình sự đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đã dành một chương riêng để quy định việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật này. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, chưa từng có tiền lệ, đặt ra nhiều vấn đề khó khăn đối với cơ quan chủ trì thẩm tra. Do đó thời gian qua, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức nhiều toạ đàm, hội nghị, làm việc với các chuyên gia để lấy ý kiến về các quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại 

Tại buổi toạ đàm này, các đại biểu trình bày tham luận và trao đổi về các nội dung cơ sở của việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; trách nhiêm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại chấp hành án; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân; vấn đề thi hành hình phạt, thi hành biện pháp khắc phục.

Hiện nay, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại được hiểu là hoạt động tổ chức thi hành bản án, quyết định hình sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện theo một trình tự, thủ tục luật định thông qua việc theo dõi quá trình thi hành án; giám sát đối với pháp nhân thương mại chấp hành án, thực hiện các biện pháp tác động buộc pháp nhân thương mại phải chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ đối với việc thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp mà Toà án đã áp dụng đối với pháp nhân thương mại đó.

Từ đó đặt ra vấn đề cần giải quyết trong luật là cơ quan chủ trì thi hành án với pháp nhân thương mại là cơ quan nào, cơ quan nào là cơ quan phối hợp, thời hạn trong thi hành án với pháp nhân thương mại, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thi hành án, trình tự thủ tục thi hành đối với từng hình phạt…

Phát biểu chỉ đạo tại toạ đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ vấn đề thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại là vấn đề khó, mới và phức tạp, chưa có thực tiễn thi hành. Trong khi đó Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cùng với quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã có hiệu lực thi hành nên không thể kéo dài thời gian sửa đổi Luật Thi hành án hình sự thêm nữa. Điều này đòi hỏi các cơ quan phải tích cực khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cho ý kiến về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hộ Uông Chu Lưu cho biết, về việc quy định chủ thể thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại hiện nay còn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về pháp nhân chịu trách nhiệm chính thi hành án. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giao cho cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Mới đây nhất cho ý kiến về dự án Luật này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xác định cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng vừa chịu trách nhiệm quản lý vừa thi hành án và các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp.

Đối với thi hành các hình phạt phạt tiền, bồi thường thiệt hại thì pháp luật hiện hành đã quy định giao cho cơ quan thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thì thực hiện theo luật. Đối với các hình phạt khác như đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn… thì cần được quy định trong luật này. Vấn đề đặt ra là cách thức quy định như thế nào, có cần quy định thi hành đối với từng hình phạt hay không. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước mắt những quy định này cần quy định chung, mang tính nguyên tắc ngay trong luật và sau đó Chính phủ hướng dẫn tổ chức thực hiện, các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp ban hành thông tư liên tịch để hướng dẫn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, khi có bản án, quyết định của Toà án thì cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Sở phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý và công bố công khai thông tin liên quan đến pháp nhân phạm tội

Nhấn mạnh dù đây là vấn đề mới song trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật không cần thiết phức tạp các nội dung mà cần có hướng quy định chung, bảo đảm nguyên tắc của pháp luật hiện hành.

Cho biết theo dự kiến dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019 tới, do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nhanh chóng nghiên cứu, đi đến thống nhất các phương án nội dung, kịp thời chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội; đồng thời khảo sát kinh nghiệm quốc tế để cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết thêm dự án Luật này sẽ tiếp tục được xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 tới cũng như xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình lên Quốc hội.

Bảo Yến