BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

15/03/2019

Trong Hồ sơ Dự án Luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 32, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết, Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được tiến hành các quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

Đại diện Cơ quan soạn thảo trình bày Tờ trình tại phiên họp

Theo Cơ quan soạn thảo- Bộ Quốc phòng, Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước ở địa phương, cơ sở; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, có chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ huy trực tiếp của chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương các cấp, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ.

Việc thực hiện bình đẳng giới về Dân quân tự vệ có vị trí, vai trò quan trọng. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới để xây dựng chính sách Dân quân tự vệ; thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập với sự tham gia của đại diện 10 bộ, 02 Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; trong đó tỷ lệ nữ là 5/66 đồng chí đạt 7,6%.

Dự thảo Luật được gửi xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Quốc phòng để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, Nhân dân và đã được nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến tham gia nhằm bảo đảm quyền và trách nhiệm của mọi công dân, trong đó có công dân nữ trong xây dựng Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Về nội dung lồng ghép giới trong Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Dự thảo Luật đã được chú trọng lồng ghép nội dung bình đẳng giới, cụ thể như sau: Tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định “Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ”. Như vậy, không có sự phân biệt nam hay nữ, mọi công dân trong độ tuổi đều có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. Hiện nay, công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ đạt trên 31% so với tổng số Dân quân tự vệ. Dự thảo Luật quy định độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ của công dân nữ thấp hơn công dân nam là phù hợp với điều kiện sức khỏe và thiên chức của phụ nữ Việt Nam, đồng thời phù hợp với tính chất, nhiệm vụ hoạt động đặc thù về quốc phòng, quân sự và tương thích với quy định về độ tuổi nghỉ hưu của nam cao hơn độ tuổi nghỉ hưu của nữ trong Bộ luật Lao động.

Các thành viên UBTVQH góp ý cho Dự án Luật Dân quân tự vệ(sửa đổi)

Tiếp đó, tại Điều 9 dự thảo Luật quy định về đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ. Khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn, tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. Theo đó, dự thảo Luật không phân biệt công dân nam và công dân nữ. Trong Điều 11 dự thảo Luật quy định về tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình. Theo đó, không có sự phân biệt về giới, nhất là quy định “Phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi”, “Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công chức, viên chức, công nhân Công an đang phục vụ trong Công an nhân dân” đều thuộc diện tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.  Tại Điều 12 dự thảo Luật quy định: “Dân quân nữ có thai; Dân quân tự vệ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi” được thôi trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; Điều 15 dự thảo Luật quy định hành vi bị nghiêm cấm:  “Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện pháp luật về Dân quân tự vệ”; Điều 35 quy định: “Dân quân khi thực hiện các biện pháp triệt sản; dân quân nữ khi thực hiện các biện pháp đặt vòng tránh thai được nghỉ thực hiện nhiệm vụ Dân quân tự vệ, thời gian được nghỉ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội” nhằm thống nhất với pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện bảo vệ sức khỏe cho công dân nam, nữ trong thực hiện chiến lược dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh những nội dung trên, Chương V dự thảo Luật quy định về chế độ chính sách đối với Dân quân tự vệ, Chương VII quy định  về thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm. Theo đó, nam, nữ Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ đều được hưởng chế độ, chính sách, khen thưởng phù hợp với pháp luật về thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm như nhau, không phân biệt về giới.

Việc quy định lồng ghép giới trong dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn dân về bình đẳng giới trong xây dựng và hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của xã hội, trong đó trực tiếp là nguồn nhân lực nữ phục vụ trong lực lượng Dân quân tự vệ; bảo đảm tính thống nhất pháp luật về bình đẳng giới với Luật Dân quân tự vệ và pháp luật có liên quan./.

 

Hồ Hương