CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN THĂM BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

04/05/2019

Sáng ngày 04/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc với cán bộ, lãnh đạo, công nhân, viên chức, người lao động tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ; thăm, chúc sức khoẻ bà Ngô Thị Huệ - Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ĐBQH từ Khóa I đến Khóa IV.

Cùng đi có: Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc; lãnh đạo VPQH.

Tại khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe bà Ngô Thị Huệ - Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Bà Ngô Thị Huệ là một trong 10 nữ ĐBQH đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946, là một trong những “nhân chứng sống” của Đảng, Nhà nước, của Cách mạng Việt Nam, nhất là của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ân cần thăm hỏi sức khoẻ bà Ngô Thị Huệ, một trong 10 nữ ĐBQH đầu tiên của nước Việt Nam

Bà Ngô Thị Huệ sinh năm 1918 tại huyện Ngã Năm, Sóc Trăng, là con thứ 7 trong một gia đình có 8 người con, nên thường được gọi là Bảy Huệ. 11 tuổi bà đã thoát ly gia đình đi cách mạng với vai trò giao liên và vào Đảng khi mới 18 tuổi. Năm 22 tuổi, bà Ngô Thị Huệ đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Bà đã nhiều lần bị bắt và bị kết án tù chung thân khổ sai. Đến tháng 6.1945, sau một số lần tổ chức phá khám vượt ngục, bà được giải thoát về Bạc Liêu. Bà tham gia Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức cách mạng tháng Tám và cướp chính quyền ở Bạc Liêu.

Sau khi nghỉ hưu, bà Huệ sống tại TP Hồ Chí Minh. Bà đã tích cực tham gia các phong trào phụ nữ và là một trong 13 người thành lập Tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam Bộ, rồi sau đó phát triển thành Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bà Ngô Thị Huệ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương, huy chương kháng chiến...

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Thắm cho biết, tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ được xây dựng theo tâm nguyện và ý chí của các thế hệ phụ nữ đi trước nhằm giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam cho các thế hệ mai sau.

Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tháng 1.1983, Tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam bộ (Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ) được thành lập do bà Nguyễn Thị Thập, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa II, III, IV, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phụ trách để xây dựng Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ. Với tinh thần làm việc khẩn trương của Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ, ngày 29.4.1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được khánh thành với diện tích 200m2 gồm 6 phòng trưng bày chuyên đề.

Với diện tích trưng bày khiêm tốn, đến ngày 8.3.1986, được Trung ương Đảng và Nhà nước cho phép, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ khởi công xây dựng bảo tàng mới có diện tích 3.000m2. Qua 4 năm vừa lo vận động kinh phí vừa thi công xây dựng, vừa tích cực sưu tầm tư liệu, hiện vật và biên soạn quyển “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Phụ nữ Nam Bộ thành đồng” đã cho ra đời bảo tàng về phụ nữ Nam Bộ. Đây là bảo tàng được xây dựng theo phương thức xã hội hóa đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 18.5.1990, lễ khánh thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được tổ chức trọng thể trong không khí cả nước kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác Hồ.

Hiện bảo tàng có diện tích sử dụng 5.410,5m2, một hội trường có sức chứa gần 1.000 người, hệ thống kho bảo quản trên 700m2. Qua hơn 20 năm hoạt động, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có nhiều nỗ lực chủ động sáng tạo trong các mặt công tác chuyên môn nhằm giáo dục truyền thống của Phụ nữ Việt Nam cho công chúng và trở thành điểm đến, nơi họp mặt truyền thống, giao lưu, sinh hoạt văn hóa… của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Bảo tàng hiện quản lý 31.360 hiện vật; 16.739 hiện vật thể khối và 14.621 phim, ảnh, tài liệu khoa học các loại; gần 2/3 là hiện vật chiến tranh cách mạng với hơn 1/3 là hiện vật văn hóa bằng nhiều chất liệu. Ngoài ra, thư viện của bảo tàng có trên 11.000 đầu sách chuyên đề về phụ nữ; sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, in ấn và xuất bản 30 đầu sách về phụ nữ miền Nam, trong đó có quyển “Phụ nữ Nam Bộ thành đồng” tổng kết phong trào đấu tranh của phụ nữ Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến (đã tái bản lần thứ ba), “Di tích danh thắng Lịch sử Văn hóa Phụ nữ Việt Nam”, “Truyện tích huyền thoại Phụ nữ Việt Nam”… Bảo tàng phối hợp với Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh và xưởng phim Giải Phóng thực hiện 4 bộ phim tư liệu về Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ, chân dung người mẹ miền Nam, nữ tù chính trị và nữ thanh niên xung phong đạt nhiều giải thưởng giá trị. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm với hàng chục đề tài nghiên cứu liên quan đến vai trò người phụ nữ trong kháng chiến cũng như trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Bên cạnh việc sưu tầm tư liệu, hiện vật về những đóng góp của phụ nữ miền Nam trong chống ngoại xâm, từ năm 1994, bảo tàng đã chú trọng sưu tầm tư liệu, hiện vật về những đóng góp của phụ nữ miền Nam trong bảo tồn phát huy di sản văn hóa của dân tộc trong đó có hiện vật văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống… Với những kết quả đã đạt được, năm 1998, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Nhà nước trao tặng và liên tục nhiều năm liền nhận bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin, bằng khen UBND TP Hồ Chí Minh.

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có chính sách đầu tư, mở rộng diện tích và xây dựng bảo tàng khang trang, rộng rãi hơn để có thể lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý giá qua các thời kỳ của phụ nữ Nam Bộ nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, nhân viên đơn vị trong việc xây dựng, sưu tầm các hiện vật, tư liệu quý giá qua các thời kỳ hoạt động cách mạng của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Nam Bộ nói riêng. Chủ tịch QH nhấn mạnh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc với khách tham quan trong nước, nhất là các tầng lớp phụ nữ và khách nước ngoài khi đến tham quan tại TP Hồ Chí Minh.

Về kiến nghị của ban lãnh đạo bảo tàng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ trao đổi và đề nghị UBND TP và các cơ quan chức năng có chính sách mở rộng diện tích, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc sưu tầm, lưu giữ những tài liệu, hiện vật, kỷ vật có giá trị lớn về lịch sử và tinh thần của phụ nữ.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ bức ảnh Chủ tịch Quốc hội trong trang phục áo dài truyền thống tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ 11, QH khoá XIII, ngày 31.3.2016. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bức ảnh được treo cạnh áo dài ngày nhậm chức được Chủ tịch QH tặng bảo tàng trước đây vừa thể hiện được truyền thống của người phụ nữ Việt Nam duyên dáng, thướt tha nhưng rất kiên cường, bất khuất, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, gian khổ dù trong hoàn cảnh nào. Bức ảnh cũng thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội đứng ra tuyên thệ sau 70 năm thành lập Quốc hội. Đây là vinh dự cũng là trọng trách lớn của phụ nữ Nam Bộ nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung, đồng thời mong muốn các thế hệ nữ ĐBQH, nữ Bí thư Tỉnh uỷ, nữ Bộ trưởng có những đóng góp về hiện vật, tài liệu để làm phong phú thêm cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Chủ tịch Quốc hội thân tình mời cán bộ, nhân viên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra thăm Nhà Quốc hội và tham quan một số bảo tàng ở Hà Nội để học hỏi việc sắp xếp, bố trí và bảo quản hiện vật, tư liệu lịch sử và tinh thần. 

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)