ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ GÓP Ý CÁC DỰ THẢO LUẬT

20/09/2019

Chiều ngày 18/9, Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh do Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Văn Thị Bạch Tuyết đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp và dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Toàn cảnh hội thảo

Theo Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh nên thống nhất phương án 1: Nhà nước thu phí, lệ phí đối thoại, hòa giải tại tòa nhằm đảm bảo quá trình hoạt động, bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, tránh tình trạng lợi dụng việc hòa giải để thu thập thông tin của các bên. “Lượng người đến tham gia hòa giải thì họ không mất tiền, không mất gì thì liệu lúc đó bỏ kinh phí nhà nước ra đầu tư ra cái này có hợp lý không? Trong khi sức dân của mình sẵn sàng đóng 1 khoản tiền nhỏ như vậy để coi như đó là một khoản tiền trách nhiệm của mình khi đến các cơ quan tòa án” - Luật sư Trâm nhấn mạnh.

Luật sư Trịnh Đức Duy - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh – cũng góp ý: “Ở điều 11, khoản 1, ở đây thì hòa giải viên, đối thoại viên tại tòa án nơi họ có nguyện vọng được làm việc, như vậy chúng ta có thể đặt ra một vấn đề là họ có thể làm cho nhiều tòa chưa? Tui để tên tui ở đó thì thứ 1 sẽ không phát huy được nguồn lực xã hội, thứ 2 là ổng chạy sô nhiều quá thì không giải quyết được. Chúng ta phải xác định rõ cái phạm vi của tòa nào, chỉ được tham gia 1 cấp tòa thôi.”

Ngoài ra, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Đô kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm chế độ, chính sách, tổ chức đào tạo chuyên môn định kỳ, địa điểm làm việc của hòa giải viên, đối thoại viên. “Riêng hòa giải viên đi giải quyết chọn nơi này nơi kia, giá này giá kia thôi thì rất là khó, tôi nghĩ là phải tính toán, xác định đầu tiên là đối thoại tại tòa án, sau đó hòa giải, đối thoại viên thống nhất địa điểm thì chúng ta chọn địa điểm phù hợp để giải quyết” - ông Nguyễn Thành Đô nêu ý kiến.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến 

Các đại biểu kiến nghị cần quy định hòa giải ngoài tòa án phải được cơ quan có thẩm quyền chọn địa điểm cụ thể; các bên không được ủy quyền cho người khác tham gia phiên hòa giải.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cho biết đây là dự thảo Luật mới nên rất cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn nhằm xây dựng một cơ chế pháp lý mới hiệu quả, thiết thực về hòa giải, đối thoại, giảm áp lực xét xử cho tòa án các cấp. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là cơ sở để Đoàn tiếp thu, tổng hợp và trình Quốc hội trong kỳ họp tới./.

Vũ Thạch