VẪN CÒN NHIỀU HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

23/09/2019

Trong hồ sơ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan soạn thảo thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày Tờ trình dự án Luật tại Phiên họp

Qua kết quả tổng kết việc thi hành Luật Xây dựng trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Cơ quan soạn thảo cho biết, quy định về lập, thẩm định dự án và quyết định đầu tư xây dựng đã cơ bản giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế và dự toán xây dựng công trình đã được nâng cao hơn. Thông qua thẩm định (đặc biệt là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp có ảnh hưởng lớn đến an toàn của cộng đồng), cơ quan chuyên môn về xây dựng đã phát hiện ra nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong trong quá trình thực hiện dự án về chất lượng và an toàn công trình, hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Theo số liệu của các Bộ, ngành, địa phương có báo cáo gửi về Bộ Xây dựng: Tỷ lệ cắt giảm giá trị tổng mức đầu tư sau thẩm định năm 2015 là 1,8%, năm 2016 là0,97%, năm 2017 là 3,67%, năm 2018 là 1,29%; Tỷ lệ cắt giảm giá trị dự toán sau thẩm định năm 2015 là 5,02%, năm 2016 là 5,87%, năm 2017 là 3,8%, năm 2018 là 3,91%; Tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế do Bộ Xây dựng thẩm định năm 2015 là 17,5%,năm 2016 là khoảng 3,47%, năm 2017 là khoảng 20%; do các địa phương thẩm định năm 2015 là 26,4%, năm 2016 là khoảng 35,96%, năm 2017 là 34,2%; năm 2018 là 35,8%. Kiểm soát chặt chẽ giai đoạn thực hiện dự án và đưa công trình vào sử dụng. Chất lượng các công trình xây dựng trong cả nước về cơ bản được đảm bảo, chất lượng các công trình trọng điểm, có quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.Thông qua kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng, cơ quan chuyên môn về xây dựng đã phát hiện một số tồn tại, sai sót trong công tác khảo sát, thiết kế, quản lý chất lượng, thi công, giám sát thi công xây dựng và yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu chấn chỉnh và sửa đổi, bổ sung kịp thời .Công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ tai nạn lao động trong thi công xây dựng giảm qua từng năm. Công tác giám định tư pháp được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.

Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BXD ngày 13/02/2018 trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình; đã mang lại hiệu quả, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Một số địa phương cũng đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực xây dựng, phối hợp thực hiện các hoạt động cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết qủa đã đạt được, việc thực hiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: Tình trạng dự án đầu tư xây dựng bị kéo dài thời gian thực hiện so với quy định vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư; Việc chuẩn bị hồ sơ dự án, thực hiện thủ tục hành chính và triển khai đầu tư xây dựng của một số chủ thể còn chưa tuân thủ quy định pháp luật. Một số chủ đầu tư, tư vấn còn chưa chú trọng công tác quản lý chất lượng hồ sơ thiết kế, nhiều hồ sơ không đủ thành phần, nội dung và chất lượng không đạt yêu cầu, chưa phân bổ thời gian hợp lý cho từng giai đoạn thực hiện dự án, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư; Việc phân công, phân cấp trong hoạt động đầu tư xây dựng còn chưa phù hợp, chưa tương xứng với điều kiện, năng lực thực hiện của các chủ thể. Quy định về phân cấp thẩm quyền chưa gắn liền với quy định trách nhiệm và các chế tài xử lý.

Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng đang khai thác, sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp do thiếu chú trọng trong công tác bảo trì công trình . Trong đó không ít các công trình đã xảy ra mất an toàn về chất lượng công trình, về môi trường, an toàn phòng, chống cháy nổ làm ảnh hưởng lớn tới an toàn của người dân, cộng đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ngoài ra, các công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, các công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng khi có xảy ra sự cố đều gây ra thiệt hại về người và tài sản. Trong quá trình thực hiện phá dỡ tại một số công trình xây dựng thuộc đối tượng phải phá dỡ còn gặp khó khăn, bất cập.

UBTVQH thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Qua kết quả tổng kết thi hành, Cơ quan soạn thảo đã chỉ ra được nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này. Theo đó, quá trình đầu tư xây dựng được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau và phải thực hiện qua nhiều bước thủ tục khác nhau, chưa có sự kết nối liên thông (như: lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất/đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường, khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; vận hành, chạy thử; tạm ứng, thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựngvà thực hiện các công việc cần thiết khác… quy định tại pháp luật về đất đai, đấu thầu, bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công, xây dựng…). Một số trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu công cụ quản lý đầu vào làm căn cứ cho việc thực hiện (như: thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng). Một số quy định về hồ sơ trong thủ tục hành chính chưa được hướng dẫn kịp thời, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một số cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chậm triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một số cán bộ, công chức chưa tăng cường trách nhiệm, đạo đức công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đôi khi chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ. Việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về xây dựng còn chưa kịp thời. Thiếu các quy định, công cụ kiểm soát định kỳ, thường xuyên của các cơ quan chuyên môn về xây dựng trong suốt quá trình khai thác sử dụng công trình xây dựng. Ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng chưa cao.

Cơ quan soạn thảo nêu rõ, chỉ ra những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc sửa đổi phải phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất và đã được đánh giá tác động, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

Hồ Hương