ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

30/09/2019

Ngày 30/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 21, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định điều diều nội dung thảo luận

Sửa đổi Luật vừa thể chế hóa chủ trương của Đảng vừa khắc phục hạn chế trong thực tiễn thi hành

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật, cho biết việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là cần thiết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong việc thi hành Luật Tổ chức Quốc hội và thể chế hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra nhiệm vụ thực hiện tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra, nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và ủy viên thường trực. Sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu ban hành quy định để thực hiện hợp nhất Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng tham mưu giúp việc chung.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, trình bày Tờ trình tại phiên họp.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Trong đó quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội còn chưa thật cụ thể; chưa có quy định về việc phê chuẩn việc cho thôi giữ chức vụ Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Một số quy định về bảo đảm kinh phí, điều kiện hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, bảo đảm chế độ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương cần được chỉnh sửa để bảo đảm thực hiện chủ trương hợp nhất các văn phòng giúp việc. Trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế làm việc của các ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chưa được xác định rõ ràng…

Dự án Luật này sửa đổi 15/105 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành liên quan đến quy định về đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Dự thảo Luật xác định thời điểm có hiệu lực thi hành là ngày 01/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi thảo luận 

Điều hành nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ mát của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội 2014 là cần thiết. Tuy nhiên với những vấn đề trong Nghị quyết số 18-NQ/TW có những nội dung có thể quy định ngay trong luật nhưng cũng có những nội dung nên để cụ thể hóa trong các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trong các đề án gắn với từng nhiệm kỳ của Quốc hội như số lượng đại biểu chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và từng Ủy ban của Quốc hội, việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội…

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến phát biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và cho rằng hồ sơ, tài liệu dự án Luật được cơ quan soạn thảo chuẩn bị nghiêm tục, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cho ý kiến về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cho rằng nên giữ quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như hiện nay là hợp lý. Việc quy định tỷ lệ tối thiểu này không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà tùy yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại phiên thảo luận

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, hiện có đại biểu chuyên trách ở địa phương và đại biểu chuyên trách ở trung ương, dự thảo Luật cần làm rõ tăng đại biểu chuyên trách ở địa phương như thế nào và ở trung ương như thế nào?

Trong khi đó, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng đại biểu Quốc hội chuyên trách có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong hoạt động của Quốc hội, do đó cần quy định tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn, vừa bảo đảm thực hiện giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm trong cơ quan hành chính, tư pháp.

 Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận 

Ngoài ra, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cũng như Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đều có cùng đề nghị lần sửa đổi Luật này cần làm rõ địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, xác định tư cách pháp nhân của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật, một số nội dung còn hai loại ý kiến như về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, về kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội…sẽ được thể hiện đầy đủ trong báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội thảo luận.

Bảo Yến