SẼ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ ĐỂ BẢO ĐẢM VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG NĂNG LƯỢNG SẠCH, NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

07/11/2019

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương ngày 06-07/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trước nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tương lai thì việc phát triển năng lượng tái tạo là cần thiết và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết giải pháp để đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Sẽ hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong xây dựng quy hoạch để đảm bảo phát triển năng lượng

Liên quan đến quy hoạch năng lượng sạch, đại biểu Đôn Tuấn Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đặt câu hỏi: đề nghị Bộ trưởng cho biết quy trình, thủ tục xây dựng, phê duyệt và bổ sung quy hoạch năng lượng sạch thời gian vừa qua đã đủ rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư hay chưa? Cần chính sách giải pháp gì mới để đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch?

Đại biểu Đôn Tuấn Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang 

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo Luật Quy hoạch tích hợp mới đây cũng như văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ, các bộ, ngành đã tổ chức triển khai trong việc xây dựng quy hoạch tích hợp. Theo đó các quy hoạch điện khu vực tại các địa phương sẽ tiếp tục được kế thừa và tiếp tục bổ sung và điều chỉnh, một mặt để đảm bảo những yêu cầu phát triển của địa phương cũng như nhu cầu phát triển của nền kinh tế là cung cấp điện cho nhân dân. Mặt khác, đảm bảo tính tích hợp và sự phát triển của các quy hoạch quốc gia.

Bộ Công thương đang phối hợp triển khai và có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc phối hợp tổ chức quy hoạch tích hợp cũng như tiếp thu các quy hoạch bổ sung các dự án mới sẽ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Vấn đề này cũng phải được các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan đầu mối Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hướng dẫn thực hiện trong quá trình tích hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng có những tiêu chí bổ sung, trong đó đánh giá về những tính khả thi, hiệu quả cũng như một số nguyên tắc pháp lý khác. Trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn phát triển điện mặt trời, điện gió và năng lượng tái tạo trong thời gian qua, Bộ sẽ tiếp tục cụ thể hóa trong hướng dẫn cho các địa phương để đảm bảo quy trình công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả, đúng cơ sở pháp luật để đảm bảo việc xây dựng quy hoạch mới, quy hoạch tích hợp của quốc gia cũng như quy hoạch các địa phương để đảm bảo phát triển năng lượng.

Đề xuất cho phép đa dạng hóa nguồn đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, một trong những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là thiếu hạ tầng truyền tải điện, do vậy nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng chưa được chấp nhận. Còn những dự án đã đầu tư và đang hoạt động, cả điện gió và mặt trời thì bị cắt giảm công suất, gây lãng phí về nguồn lực và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, trong khi nước ta còn rất thiếu thốn về điện.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ dài hạn để xử lý tình trạng thiếu hệ thống truyền tải điện như nói trên, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đặt vấn đề, trong điều kiện vốn nhà nước có hạn, Bộ trưởng có cơ chế để tư nhân bỏ vốn đầu tư hệ thống truyền tải điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý vận hành vẫn bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước theo quy định hiện nay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận điểm nghẽn là hạn chế nguồn lực của Nhà nước và của Tập đoàn Điện lực quốc gia thiếu nguồn đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện bao gồm cả hệ thống truyền tải và các trạm biến áp ở các cấp độ khác nhau.

Về giải pháp dài hạn, Bộ trưởng cho biết Bộ Công thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực. Theo đó sẽ cụ thể hóa và làm rõ ràng cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500KV. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đầu tư xã hội hóa trong các vấn đề về truyền tải điện nhưng không đánh mất vai trò của Nhà nước.

Đưa các dự án điện tái tạo vào quy hoạch tích hợp đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu dự án năng lượng điện tái tạo chậm tiến độ. Bộ trưởng có giải pháp gì để cho các doanh nghiệp thực hiện được dự án của mình mà không bị phá sản, đồng thời tăng nguồn điện lực cho tất cả các cơ quan hiện nay.

Trả lời câu hỏi liên quan đến các dự án năng lượng điện tái tạo, chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngoài các dự án đã được phê duyệt và đưa vào thực hiện để thực hiện theo Quyết định 11 của Thủ tướng với công suất lên tới gần 5.000MW thì hiện nay chúng ta còn có là gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất tới 28.300MW đang chờ để được đưa vào quy hoạch.

Tương tự như vậy, có 150 dự án điện gió với khoảng 4.800MW đang đợi phê duyệt, ngoài ra còn có 8 dự án lớn về điện khí LNG nhập khẩu đang nghiên cứu và báo cáo trình Chính phủ.

Ngoài ra còn khoảng hơn 300 dự án về hệ thống hạ tầng, trong đó có đường chuyển tải điện, các trạm biến áp, v.v. cũng đang cần được đổi bổ sung vào quy hoạch để giảm tải công suất.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tổng hợp, thẩm định các dự án đưa vào quy hoạch tích hợp để bổ sung trong quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2020 để đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế của đất nước.

Đối với điện gió, sau tháng 11/2021 sẽ áp dụng theo cơ chế khuyến khích mới và Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo để đảm bảo cơ chế mới vẫn khuyến khích phát triển, khắc phục được những mặt hạn chế và phát huy được tính tích cực của cơ chế trước đây, nhưng đồng thời cũng tạo nên môi trường công bằng và minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư liên quan.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Ngoài ra trong phần trả lời chất vấn của mình, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về giải pháp cho nguy cơ thiếu điện trong tương lai, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã báo cáo với Chính phủ và thống nhất để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Thứ nhất, sẽ huy động tối đa các nguồn công suất khác, kể cả từ than, điện khí, cũng như các nguồn điện khác có liên quan, trong đó có thủy điện. Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế mới về giá điện, cũng như về phát triển điện tái tạo để đảm bảo có sự bổ sung của điện mặt trời và điện gió với quy mô đảm bảo.Thứ ba, tính toán phương án để có thể chuyển đổi cơ cấu phát điện của một số các nhà máy điện hiện hữu. Với tất cả các phương án này, cộng thêm với việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp để có điều hành về thủy điện và thủy lợi trong khi tích nước phục vụ cho nông nghiệp, khai thác tối đa hiệu quả thì chúng ta sẽ có điều kiện để đảm bảo đủ điện cho năm 2019-2020 và tiếp tục tính toán trong những kế hoạch sắp tới.

Về dài hạn, phải tiếp tục phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có tính đến phát triển các hệ thống trung tâm năng lượng lớn và sử dụng khí nhập khẩu./.

Bảo Yến

Các bài viết khác