ĐỀ NGHỊ XEM XÉT QUY ĐỊNH VỀ THỜI HẠN TRẢ LỜI YÊU CẦU GIÁM ĐỊNH

13/01/2020

Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, có ý kiến đề nghị ngoài việc sửa đổi quy định về thời hạn giám định còn cần xem xét rút ngắn thời hạn thông báo cho người yêu cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về việc không chấp nhận yêu cầu giám định.

Từ thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề, hiện nay theo Điều 22 của luật hiện hành là quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp quy định người yêu cầu giám định tư pháp có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản, hết thời hạn nói trên người yêu cầu giám định tư pháp mới được quyền tự mình đi yêu cầu giám định tư pháp.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Qua thực tiễn giám sát tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, vấn đề này vẫn nhức nhối đối với những việc giám định tư pháp vụ việc xâm hại trẻ em. Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, nếu trong trường hợp người bị hại làm đơn tố cáo, sau đó phải chờ quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra trong vòng 7 ngày. Đây những vụ việc rất đặc thù, chứng cứ đã bị bị mất đi hoặc không còn hiện hữu. Do đó, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị quan tâm tới việc thời hạn 7 ngày và cho rằng quy định như hiện hành là quá dài, đối với những vụ việc xâm hại trẻ em có cần quy định một cách cụ thể hơn.

Trưởng Ban Dân nguyện cho biết thêm, qua trao đổi với một số cơ quan công án cho rằng thời hạn này hoàn toàn có thể ngắn hơn đối với những vụ việc xâm hại trẻ em. Nhiều đơn vị, tỉnh, thành phố không sử dụng hết 7 ngày mới thông báo đối với các trường hợp xâm hại trẻ em có thực hiện giám định tư pháp hay không. Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp có những dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, đối với những vụ việc xâm hại trẻ em không nên để tối đa là 7 ngày mà có thể là 5 ngày hoặc ngày 3 ngày thì tùy các cơ quan liên quan tới vấn đề về khoa học kỹ thuật và mức độ đáp ứng được vấn đề này.

Ghi nhận đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời gian tới Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ để bàn thêm về vấn đề này để bảo đảm tránh mất dấu vết, khi có đề nghị trưng cầu giám định thì việc quyết định chấp nhận hay không chấp nhận trưng cầu giám định thời gian phải ngắn hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ba Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết thêm, về nguyên tắc, chứng minh tội phạm là trách nhiệm của nhà nước và cơ quan điều tra phải thực hiện, nếu thấy cần thiết là phải trưng cầu giám định ngay. Khi làm Luật Giám định tư pháp 2012 là chỉ dành cho trong trường hợp chứng cứ rõ ràng rồi không cần phải trưng cầu giám định thêm mà đã chứng minh được tội phạm thì không cần thiết phải làm để mất thời gian. Hai là Luật thiết kế chung cho cả án dân sự, án hành chính thì trong những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng các tình tiết vụ án đã rõ ràng, không cần giám định nhưng bản thân người bị hại, người có liên quan cảm thấy chưa an tâm, khi đó phải yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, cho nên quy định thời hạn 7 ngày. Do đó trong phạm vi sửa đổi Luật lần này không có Điều 22.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quy định pháp luật quy định chung cho cả nước, mang tính phổ quát nhất, đồng thời cũng ghi nhận những trường hợp cụ thể. Trong một số trường hợp vì cấp bách có thể xử lý trong công văn cụ thể và những lệnh về mặt hành pháp như vậy vẫn đảm bảo tính khả thi, đảm bảo trong thực tế. Về đề nghị rút ngắn thời hạn ra quyết định trưng cầu giám định từ người, Bộ Tư pháp sec cùng Ủy ban Tư pháp, các cơ quan có liên quan để xem tính toán, có thể cân nhắc thêm, rút bớt thời hạn hay không để báo cáo của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý thời hạn giám định và thời hạn ra quyết định trưng cầu là hai việc khác nhau. Điều 22 quy định thời hạn 7 ngày là thời gian cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng phải ra thông báo cho người yêu cầu giám định. Còn thời gian tiến hành giám định, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp khác tối đa là 03 tháng, trong trường hợp phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng, trong trường hợp phức tạp, nhiều vụ việc, thời gian yêu cầu lớn có thể gia hạn thêm nhưng không quá 1/2 thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó. Đối với những tội phạm nhạy cảm, việc bảo quản hiện vật, chứng cứ khó khăn thì phải có hướng dẫn và có chỉ đạo để làm nhanh.

Bảo Yến