ĐBQH NGUYỄN PHƯỚC LỘC CHẤT VẤN VỀ NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ LÀM NHIỆM VỤ PHÁP CHẾ TẠI BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

31/03/2020

Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ.

Đề cập cụ thể về nội dung trên, ngày 15/11/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Về cơ bản đội ngũ làm công tác pháp chế đều có trình độ từ đại học trở lên và phần lớn là tốt nghiệp chuyên ngành luật (một số cán bộ có bằng đại học chuyên ngành thứ 2 về Điện tử Viễn thông) nên đáp ứng được yêu cầu cơ bản của nhiệm vụ pháp chế. Tuy có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và được đào tạo tốt nhưng kinh nghiệm thực tiễn trong công việc của một số người còn chưa nhiều, chưa có sự cọ xát với thực tế.

Do vậy, để có thể nâng cao năng lực công tác của các cán bộ làm công tác pháp chế, bên cạnh việc đào tạo nâng cao trình độ qua công việc cũng cần luân phiên tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham gia các khoá đào tạo trung hạn và dài hạn để trao đổi, nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn mới, giai đoạn mà nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Đến nay, hầu hết các cán bộ làm công tác pháp chế ở Bộ đều đã tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ pháp chế do Học viện Tư pháp tổ chức theo chương trình đào tạo của Bộ Tư pháp.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Về Công tác thanh tra của Bộ và năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Hàng năm, Bộ đều ban hành kế hoạch thanh tra đều trên tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ, trên cơ sở: Tổng kết, đúc rút kinh nghiệm qua việc thực hiện các cuộc thanh tra trong năm trước, từ đó chỉ ra các sai phạm chủ yếu của từng lĩnh vực, những hành vi thường xuyên bị vi phạm, ví dụ năm 2017 (phụ lục kèm theo) cũng như phân tích được mục đích của các sai phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông là chủ yếu do lợi nhuận, hoạt động sai tôn chỉ mục đích... Bên cạnh đó là tổng hợp, đánh giá các vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông qua các kênh, nguồn từ Quốc hội, cử tri, báo chí..., như: tin nhắn rác, Gameonline, thông tin sai sự thật trên báo chí,...

Đối tượng thanh tra không loại trừ bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân, lĩnh vực nào trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, nhiệm vụ được Chính phủ giao, nhưng đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, không quá một đối tượng thanh tra/năm/lần (trừ phát hiện vi phạm khác của đối tượng đó trong năm), cũng như đảm bảo không để sót một cơ quan, tổ chức không thanh tra trong thời gian dài. Bộ đã ban hành đầy đủ Kế hoạch thanh tra của từng năm (Năm 2015, Quyết định số 1759/QĐ-BTTTT ngày 25/11/2014; năm 2016, Quyết định số 2105/QĐ-BTTTT ngày 25/11/2015; năm 2017, Quyết định số 2096/QĐ-BTTTT ngày 25/11/2016).

Về việc triển khai thực hiện thanh tra: Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã ban hành được thực hiện đầy đủ 100%, nghiêm túc thực hiện đúng quy trình tiến hành một cuộc thanh tra theo quy định của pháp luật, cụ thể: khảo sát, ban hành quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, xử lý vi phạm,...; xử lý sau thanh tra đạt 100% kết luận thanh tra. Cụ thể:

Năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (Thanh tra Bộ và các Cục được giao chức năng thanh tra) đã hoàn thành 451/232 cuộc thanh tra theo kế hoạch (194,4%). Ngoài ra là tham gia, phối hợp nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh của các bộ, ngành liên quan; ban hành 324 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 7.046.000.000 đồng, thu hồi 351.500.000 đồng. Thu hồi, tiêu hủy 6.400 sim trả trước; thu hồi 1 tên miền; buộc thu hồi, tiêu hủy trên 9000 bản xuất bản phẩm; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra: 01 vụ.

Năm 2016, Bộ đã hoàn thành 120/96 cuộc thanh tra theo kế hoạch (125%); tham gia, phối hợp nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh của các bộ, ngành liên quan; ban hành 412 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 10.152.850.000 đồng, thu hồi, nộp ngân sách 25.869.000.000 đồng.

Đến 31/10/2017, Bộ đã hoàn thành 339/82 cuộc thanh tra theo kế hoạch (413%); tham gia, phối hợp nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh của các bộ, ngành liên quan; ban hành 221 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 4.101.000.000 đồng, cảnh cáo 01, thu hồi 457.000.000 đồng. Đoàn thanh tra đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, như: tiêu chuẩn của trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra,...; thời gian tiến hành thanh tra được đảm bảo đúng quy định; nội dung thanh tra đúng đề cương thanh tra,...

Khiếu nại, tố cáo trong công tác thanh tra: Trong những năm qua, tất cả các kết luận thanh tra đều được các đối tượng thanh tra nghiêm túc chấp hành: khắc phục sai phạm, nộp phạt, nộp tiền thu hồi đúng thời gian quy định. Đặc biệt, không có khiếu nại kết luận thanh tra, tố cáo tập thể đoàn thanh tra, thanh tra viên trong quá trình thanh tra.

Công tác kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL liên quan: Qua công tác thanh tra, phát hiện những bất cập, thiếu sót trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ thường xuyên chỉ đạo sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo tính thực thi, nghiêm minh của pháp luật, cụ thể:

Năm 2015, Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 1828/QĐ-BTTTT ngày 28/10/2015 quy định chế độ bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các đơn vị thuộc Bộ TTTT.

Năm 2016, tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra, kiến nghị Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng của Luật Thanh tra 2010.

Năm 2017, giao Thanh tra Bộ chủ trì xây dựng 02 dự thảo Nghị định xử phạt trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP và Nghị định số 159/2013/NĐ-CP.

Nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra của Bộ, Bộ trưởng Bộ Thông thin và Truyền thông nhận xét: Với những kết quả đạt được trong những năm qua, có thể đánh giá đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định trình độ nghiệp vụ vững vàng, có bản lĩnh chính trị trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước Ngành. Việc Đánh giá trên những điều kiện cụ thể:

Về tương quan lực lượng với nhiệm vụ được giao: Lực lượng thanh tra thuộc Bộ có 85 cán bộ, công chức (gồm 29 cán bộ, công chức Thanh tra Bộ và 56 công chức được giao chức năng thanh tra tại 05 Cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành) được tổ chức các đoàn thanh tra, bình quân đến 300 cuộc/năm/các lĩnh vực (bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, thông tin điện tử, phát thanh truyền hình, xuất bản, in và phát hành,...), xử phạt, thu hồi trên 400 quyết định với hàng trăm hành vi vi phạm trong phạm vi quản lý/trên phạm vi cả nước, là sự cố gắng vượt bậc của ngành nói chung và lực lượng thanh tra nói riêng.

Về tương quan trình độ nghiệp vụ thanh tra với sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông: Trình độ chuyên môn của lực lượng thanh tra thuộc Bộ TTTT có trình độ nghiệp vụ cao, được trải qua thực tiễn, cụ thể: cán bộ, công chức có trình độ học vấn: Tiến sỹ là 02 người, thạc sỹ 19 người, còn lại là có trình độ đại học và cao đẳng.

Lãnh đạo Bộ luôn nhận thức “thanh tra là cánh tay nối dài của quản lý nhà nước” nên đặc biệt quan tâm, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra tại Thanh tra Bộ và các Cục được giao thông qua: Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ thanh tra, qua đó đạt được kết quả tốt trong công việc, tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo các quy định của pháp luật về thông tin và truyền thông được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng định hướng.

Về đánh giá việc bố trí lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của Bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Sau khi một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành (Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; Nghị định 52/2015/NĐ-CP, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP...), các tổ chức pháp chế có thêm một số chức năng và nhiệm vụ mới nhưng chỉ tiêu biên chế của các tổ chức pháp chế vẫn không được bổ sung thêm nên các cán bộ làm công tác pháp chế phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc, do đó không đủ thời gian cần thiết nghiên cứu thấu đáo, xử lý công việc, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ quan tâm tăng thêm chỉ tiêu biên chế cho các tổ chức pháp chế để hoạt động pháp chế đạt hiệu quả cao hơn.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan để tổ chức nghiên cứu, đề ra số lượng biên chế cũng như cơ cấu tổ chức của các tổ chức pháp chế trực thuộc các bộ nhằm đảm bảo công tác pháp chế được tiến hành ổn định, nhanh chóng, thường xuyên và đúng pháp luật.

Về việc bố trí lực lượng làm công tác thanh tra của Bộ: Hiện nay, công tác bố trí nhân sự thanh tra thuộc Bộ chịu sự điều chỉnh của Luật Công chức; tác động của Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và các văn bản quy phạm pháp luật; điều hành của Bộ Nội vụ về việc giao biên chế công chức hàng năm (như Quyết định số 3927/QĐ-BNV ngày 25/10/2016 về việc giao biên chế năm 2017...). Như vậy, hàng năm lực lượng thanh tra được Bộ giao biên chế công chức như các đơn vị hành chính khác, cu thể, năm 2017 là 85 biên chế.

Tuy nhiên, xét ở góc độ quản lý, lực lượng thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông còn rất thiếu, nhất là cán bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thông tin trên mạng,... Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội xây dựng cơ chế đặc thù đối với lực lượng thanh tra nói chung và lực lượng thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng./.

Bích Lan

Các bài viết khác