ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH THẨM TRA CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19

08/04/2020

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã khẩn trương phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời xem xét, cho ý kiến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường để cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Nhất trí với chủ trương triển khai hỗ trợ người dân của Chính phủ

Trước những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân từ đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá cao những biện pháp thực hiện phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời của Chính phủ. Theo đó, công tác phòng, chống dịch bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Trước những tác động, ảnh hưởng của đại dịch đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, Chính phủ trình các giải pháp nhằm hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19 là cần thiết, phù hợp với bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội hiện nay. Vì vậy, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với chủ trương triển khai hỗ trợ người dân của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, do tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ cần tính đến những biện pháp trong dài hạn để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và ổn định xã hội, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng (bao gồm khoảng 19 - 20 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019 của NSTW; nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định; nguồn ngân sách địa phương (khoảng 13 - 14 nghìn tỷ đồng). Đồng thời hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3 nghìn tỷ đồng); cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16 nghìn tỷ đồng).

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện chế độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ NSNN và quyết định sử dụng một phần tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách nhà nước là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 20 và khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đối với tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định, do đó, Chính phủ cần rà soát quy định này để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tính khả thi trong thực tiễn, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của các địa phương.

Ngoài ra, đối với việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc và giao Chính phủ chỉ đạo xác định mức tiết kiệm tối thiểu đối với các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm nguồn lực cần thiết để chi hoạt động thường xuyên và hỗ trợ cho người dân theo chính sách đề ra và sẽ báo cáo Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 9.

Về nguồn cải cách tiền lương còn dư, tại khoản 6 Điều 3 Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 đã giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Do đó, việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư ở các địa phương để hỗ trợ là đúng quy định.

Kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc hỗ trợ người dân  gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 

Đối với hỗ trợ gián tiếp như cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp..., Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng đây là những nội dung áp dụng khác với quy định của pháp luật hiện hành, cần trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trong điều kiện khẩn cấp cần có những biện pháp kịp thời, cấp thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong khi Quốc hội chưa thể họp thì Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xin chủ trương và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất là cần thiết.

Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời và tránh trục lợi chính sách

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý đối với việc triển khai thực hiện hỗ trợ bên cạnh những nguyên tắc Chính phủ đã nêu, cần bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của nguồn lực ngân sách Nhà nước và chính sách hỗ trợ phải bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời và tránh lợi dụng, trục lợi từ chính sách.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, đại đa số các doanh nghiệp, người dân đều bị ảnh hưởng khó khăn chung bởi dịch Covid 19, trong số đó, nhiều ngành nghề, nhiều công việc có tính chất đặc thù sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn (như du lịch, nhà hàng, vận tải, dệt may…). Việc hỗ trợ trực tiếp đối với những đối tượng cụ thể đòi hỏi phải cân nhắc kỹ để bảo đảm công bằng, hợp lý và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước đứng trước rất nhiều khó khăn như hiện nay (giá dầu thô giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm; thu từ các doanh nghiệp trong nước giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn…).

Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng (như đối với người có công và lao động tự do…) để không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Về mức hỗ trợ: cần rà soát, quy định cụ thể để người dân gặp khó khăn duy trì cuộc sống tối thiểu, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các nhóm đối tượng và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng lưu ý mặc dù tình huống là cấp bách, song đây là gói hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách trung ương và địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, thời gian kéo dài dịch bệnh chưa thể xác định rõ, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn các tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách Nhà nước để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô.

Bên cạnh việc khẩn trương triển khai thực hiện đề nghị rà soát chặt chẽ quy định về các đối tượng thụ hưởng, tránh những kẽ hở gây phát sinh trục lợi chính sách; bảo đảm công bằng, tránh khiếu kiện của người dân; Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn thực hiện, quy trình thủ tục thực hiện thuận tiện cho người dân, quy định chặt chẽ về kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách này./.

Bảo Yến

Các bài viết khác