CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ ĐỂ KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP TRONG PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

27/04/2020

Trình Hồ sơ Dự án Luật tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết, cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế để khắc phục những bất cập trong pháp luật hiện hành.

Đại diện Cơ quan soạn thảo làm rõ một số nội dung

Theo đại diện Cơ quan soạn thảo, việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế. Chủ trương hội nhập quốc tế (không chỉ gồm hội nhập kinh tế quốc tế) được quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013. Chủ trương của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đã được nêu rõ trong nhiều văn bản của Đảng, nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 và Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh trọng tâm thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Hơn nữa, việc ban hành Luật còn góp phần quan trọng trong việc khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành về vấn đề này:

Thứ nhất, thời gian vừa qua, một số quy định mới được ban hành có liên quan đến ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Cụ thể: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 không sử dụng khái niệm cơ quan giúp việc của Quốc hội mà chỉ liệt kê cơ quan của Quốc hội bao gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội – cơ quan thường trực của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Luật này cũng quy định rõ Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn thống nhất quản lý nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế (khoản 1 Điều 22), phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013 (khoản 3 Điều 96). Theo đó, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ quy định bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật, tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế (Điều 8). Luật Chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số (khoản 3 Điều 5). Luật Quản lý nợ công 2017, cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này có quy định riêng cho ký kết, thực hiện thỏa thuận về vay nợ nước ngoài, trong đó có nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của các nhà tài trợ nước ngoài (ODA) và vay ưu đãi của nước ngoài. Nghị định 35/2011/NĐ-CP về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ngày 18/5/2011 quy định trong quá trình ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm gửi hồ sơ đó đến Bộ Công an để lấy ý kiến về sự phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự…

Toàn cảnh Phiên họp

Thứ hai, một số bất cập của Pháp lệnh 2007 dẫn đến khó khăn trong triển khai công tác thỏa thuận quốc tế đòi hỏi có quy định rõ ràng hơn, cụ thể gồm các bất cập sau đây: Pháp luật hiện hành chưa quy định về việc ký kết thỏa thuận quốc tế (văn bản hợp tác quốc tế) của đơn vị trực thuộc. Thực tế, một số đơn vị trực thuộc bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã ký kết nhiều văn bản hợp tác để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cụ thể, đáp ứng yêu cầu hợp tác, hội nhập quốc tế.  Trong khi đó, khung pháp luật hiện hành vẫn còn để ngỏ, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh về thủ tục ký kết đối với thỏa thuận quốc tế loại này. Điều này dẫn đến sự lúng túng của các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, tổ chức trong quá trình ký kết các thỏa thuận quốc tế vì không biết phải tuân theo quy trình nào, có phải xin ý kiến của trung ương không. Nội dung không thuộc phạm vi thỏa thuận quốc tế quy định tại các điểm từ a – đ khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh 2007 đều thuộc quan hệ cấp Nhà nước, Chính phủ, thực chất là nội dung phải thuộc điều ước quốc tế, “làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế”. Trên thực tế, nhiều thỏa thuận quốc tế được ký kết bao gồm nội dung liên quan gián tiếp tới nội dung hợp tác thuộc khuôn khổ điều ước quốc tế, nhằm cụ thể hóa về việc triển khai các cam kết, điều ước quốc tế ở cấp Nhà nước, Chính phủ.

Thứ ba, Pháp lệnh 2007 chưa quy định trình tự rút gọn cho trường hợp gấp trong khi bảo đảm các yêu cầu về ký kết thỏa thuận quốc tế; cũng chưa quy định trình tự đề xuất, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế hợp tác liên ngành, hoặc liên tỉnh, liên thành phố gồm từ ba bộ, ngành, hoặc ba tỉnh, thành phố trở lên. Đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh 2007 hiện nay chủ yếu là thỏa thuận quốc tế hợp tác đơn ngành thuộc phạm vi phụ trách của một bộ, ngành hoặc một địa phương. Pháp lệnh 2007 cũng chưa tính đến các trường hợp cần ký gấp thỏa thuận quốc tế cần có thủ tục rút gọn để phục vụ yêu cầu đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia mà mới quy định thủ tục chung áp dụng cho tất cả các trường hợp ký kết thỏa thuận quốc tế.

Thứ tư, thực tế trong thời gian vừa qua đã phát sinh một số vụ tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài. Các tranh chấp này có thể phát sinh do cam kết của các địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong các thỏa thuận quốc tế được ký kết. Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên của Liên minh Châu Âu ký ngày 30/6/2019 cũng có những quy định riêng liên quan đến loại thỏa thuận quốc tế này. Thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, để tăng cường quản lý đối với thỏa thuận quốc tế về đầu tư, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư.

Kết luận một số nội dung tại Phiên làm việc cho ý kiến về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao quá trình phối hợp, chuẩn bị của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra; nhất trí nâng Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế lên thành Luật Thỏa thuận quốc tế; đề nghị tiếp thu đầy đủ các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp để hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật, tiến hành thẩm tra chính thức và trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tới đây./.

Hồ Hương

Các bài viết khác