KỲ HỌP THỨ 9 - KỲ HỌP CỦA ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VÀ TẬP TRUNG TRÍ TUỆ GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN, KHÔI PHỤC PHÁT TRIỂN

27/04/2020

Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp này là kỳ họp để đoàn kết, tạo ra một sự hiệu triệu, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân để khắc phục những khó khăn, tìm mọi kế sách trước mắt và lâu dài để phục hồi nhanh kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân.

 

Đổi mới cách thức tổ chức Kỳ họp Quốc hội

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội về việc tổ chức Kỳ họp. Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị chuẩn bị tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung để tạo sự chủ động cho việc chuẩn bị kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, việc áp dụng hình thức họp trực tuyến sẽ là một bước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, tiến tới Quốc hội điện tử; đồng thời, cũng là cách thức để Quốc hội có thể xem xét, quyết định kịp thời (phản ứng nhanh) những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Để bảo đảm chất lượng của Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Kỳ họp này vẫn bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp: khai mạc, bế mạc; giám sát chuyên đề; thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tiếp tục ứng dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận, khai thác, sử dụng tài liệu (trừ nội dung mật) cũng như xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, biểu quyết…, nhất là các phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động.

Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động triển khai các công việc thuộc trách nhiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc họp, cuộc làm việc trực tuyến… để khẩn trương chuẩn bị các nội dung kỳ họp, cố gắng cao nhất để bảo đảm tiến độ, chất lượng. Văn phòng Quốc hội đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan để khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp điều kiện kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các phần mềm cài đặt trên thiết bị di động, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phục vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; cũng như bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu họp trực tuyến của đại biểu trong Đoàn, đáp ứng yêu cầu họp trực tuyến của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan phục vụ, cơ quan thông tấn, báo chí.

Thời gian qua, hình thức họp trực tuyến trên thực tế đã được áp dụng ở nhiều cấp độ khác nhau. Các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành họp toàn thể bằng hình thức họp trực tuyến, qua đó cho thấy hiệu quả bước đầu. gần đây nhất là phiên họp toàn thể lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thành công, hoàn thành chương trình đề ra.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải khẳng định, dù trong tình hình đại dịch Covid-19 song công tác chuẩn bị cho kỳ họp của Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội vẫn diễn ra nhanh chóng, linh hoạt và khoa học. Các Ủy ban của Quốc hội đều đã thử họp trực tuyến và có mối liên hệ với các địa phương. Đặc biệt, qua nghe phản ánh từ các đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện vui mừng nhận thấy, các đại biểu Quốc hội ở địa phương đồng tình với phương pháp họp trực tuyến, cũng như sự chuẩn bị chu đáo của cơ quan chức năng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: “chính tình huống này đặt ra cho ta có cơ hội để đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội thêm một lần nữa”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Quốc hội họp trực tuyến đòi hỏi cố gắng nhiều hơn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, đây cũng là một bước đòi hỏi chúng ta phải cố gắng. “Thứ nhất, viết phải ngắn hơn; Thứ hai, nói phải ngắn hơn; Thứ ba, nói phải rõ hơn; Thứ tư, chuẩn bị kỹ hơn để thuyết phục nhau, đòi hỏi mình phải nâng cao trình độ mới họp trực tuyến được”.

Bổ sung nội dung của Kỳ họp để kịp thời giải quyết những vấn đề hệ trọng

Không chỉ thay đổi cách thức tổ chức Kỳ họp mà quan trọng hơn là nội dung của Kỳ họp cũng có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế trong đó thể hiện sự chia sẻ đồng hành với Chính phủ trong quá trình ứng phó với dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 không bình thường như mọi năm nữa mà sẽ có rất nhiều biến động về tình hình kinh tế - xã hội liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách. Nếu như tăng trưởng kinh tế lên xuống là điều bình thường của một quá trình phát triển nên không cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vấn đề thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách phải thay đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm rõ, nếu tăng trưởng kinh tế không đạt được thì thu nội địa sẽ không đạt. Thứ hai là thu từ dầu so với dự toán là thấp. Thứ ba, cũng không thể thu được tiền cổ phần hóa. Do đó năm 2020 hụt thu của ngân sách rất lớn, trong khi đó chi thì lại tăng. Vì vậy Kỳ họp tới có nhiều vấn đề quan trọng và gấp cần Quốc hội quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Bày tỏ tán thành với đề xuất tại Kỳ họp thứ 9 này Quốc hội dự kiến không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng trong bối cảnh như hiện nay nên dành thời gian nhiều để bàn những vấn đề xử lý, không nên để phân tán. Lưu ý rằng, các Bộ trưởng đang tập trung xử lý nhiều việc, nếu mời lên lại chất vấn thì sẽ không có tâm trạng toàn tâm toàn ý giải quyết công việc, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với tình hình này cần ưu tiên để các Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung vào điều hành và xử lý, còn vấn đề chất vấn có thể lùi lại sau, không nhất thiết phải chất vấn vào kỳ họp này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, Đợt 1 của kỳ họp cần xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội bởi đây là vấn đề bức xúc, thời sự, nhất là triển khai ngay nội dung kết luận của Tổng bí thư và Hội nghị cán bộ toàn quốc vừa qua của Đảng về lãnh đạo việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch bệnh nhưng đặc biệt đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo đến công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng. Đây là những vấn đề mà Quốc hội sẽ phải được báo cáo ngay tại kỳ họp, giải quyết ngay việc ổn định đời sống của dân, việc no, đói, hạn hán, dịch bệnh cùng với đó là việc học, việc thi phải được báo cáo trước Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Kỳ họp Quốc hội tới phải là một kỳ họp tạo ra một sự hiệu triệu, một sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân trong bộ máy nhà nước, cán bộ, đảng viên và các đại biểu, cử tri hướng về để giữ vững không để đất nước có những đột biến và với tạo quyết tâm khí thế mới, khắc phục những khó khăn hiện tại để vững vàng nhưng đồng thời kinh tế - xã hội, đối ngoại không được đứt gãy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho hay, Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa đặc biệt, có lẽ từ thời kỳ chiến tranh, sau mấy chục năm hòa bình, giải phóng đất nước chúng ta mới có một kỳ họp đặc biệt như vậy, đây cũng là một cơ hội để Quốc hội thử nghiệm đổi mới hoạt động của Quốc hội, trong "nguy" có "cơ".

Nêu rõ đây là một kỳ họp để đoàn kết, tìm mọi kế sách trước mắt và lâu dài để phục hồi nhanh kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan Chính phủ hợp tác, phối hợp với nhau để chuẩn bị cho đầy đủ, nhất là những nội dung bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp để đoàn kết

Chủ tịch Quốc hội lưu ý với những cơ chế, chính sách vượt quá thẩm quyền, Chính phủ không điều hành được mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không có thẩm quyền thì phải báo cáo ra Quốc hội; đồng thời khẳng định trong tình hình như hiện nay chắc chắn Quốc hội sẽ ủng hộ và dâng mưu, hiến kế. Đây là một kỳ họp không phải để phê phán, trách móc mà đây là một kỳ họp để đoàn kết, dâng mưu, hiến kế, tìm mọi kế sách trước mắt và lâu dài để phục hồi nhanh kinh tế và ổn định đời sống của Nhân dân.

Qua việc điều chỉnh cách thức tổ chức Kỳ họp, điều chỉnh nội dung chương trình Kỳ họp, cho thấy mặc dù Quốc hội một năm chỉ họp tập trung hai lần nhưng các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đều theo dõi, hướng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội cũng đang bàn chuyện của đất nước, của Nhân dân, cũng đang bàn những giải pháp để phục hồi kinh tế.  

Khi Chính phủ gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục, thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đều đồng hành, kịp thời quyết định chủ trương, chính sách giúp Chính phủ tháo gỡ khó khăn tình thế, tạo thuận lợi trong chỉ đạo điều hành./.

Bảo Yến

Các bài viết khác