QUỐC HỘI, CHÍNH PHỦ, CÁC BỘ, NGÀNH ĐÃ BAN HÀNH TƯƠNG ĐỐI ĐẦY ĐỦ VÀ KỊP THỜI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

01/05/2020

Báo cáo một số nội dung kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát cho biết công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương tương đối đầy đủ và kịp thời.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga- Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát báo cáo một số nội dung

Đoàn giám sát cho biết, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật, Bộ luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành chức năng đã ban hành nhiều chính sách và văn bản dưới luật, gồm 83 văn bản pháp luật và văn bản liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em để làm cơ sở cho việc phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó đáng chú ý: Luật Trẻ em năm 2016, quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi; quy định các quyền của trẻ em như quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học hành, quyền bí mật riêng tư…; các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em; quy định hành vi xâm hại trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và những người liên quan trong việc bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em…

Đối với pháp luật dân sự và hôn nhân gia đình, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xây dựng cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em thông qua quy định cụ thể về người chưa thành niên; quy định năng lực hành vi dân sự của người dưới 18 tuổi, quy định trẻ em chưa đủ 06 tuổi không có năng lực hành vi dân sự; quyền bí mật đời tư; người giám hộ cho người chưa thành niên; đại diện cho người chưa thành niên trong giao dịch dân sự; giá trị pháp lý của giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập và những trường hợp giao dịch dân sự có hiệu lực hoặc vô hiệu; quyền thừa kế tài sản của con chưa thành niên…Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em trong quan hệ hôn nhân và gia đình; quyền lợi của trẻ em trong việc giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy việc kết hôn trái pháp luật; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Đặc biệt, Luật Hôn nhân và gia đình quy định người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn; mặt khác, khi ly hôn, việc giao con cho vợ hoặc chồng nuôi phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của con.

Đối với pháp luật hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, trong đó có trẻ em, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhóm tội có tính đặc thù xâm hại tình dục trẻ em  theo hướng: Sửa đổi cấu thành tội phạm để xử lý đúng bản chất của một số hành vi phạm tội; cụ thể hóa các hành vi xâm hại trẻ em để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn; tội phạm hóa một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em phát sinh trong thời gian qua, nhất là những hành vi sử dụng mạng internet, mạng xã hội để phạm tội. Đồng thời, để xử lý nghiêm các hành vi khác xâm hại trẻ em, Bộ luật quy định tình tiết “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một số tội danh như: Tội giết người, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, Tội cưỡng bức lao động, Tội chứa mại dâm, Tội môi giới mại dâm…Để áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất một số quy định của pháp luật về Tội mua bán người dưới 16 tuổi và một số tội về xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi .

Đối với pháp luật tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một chương riêng về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Trong đó, quy định nguyên tắc tiến hành tố tụng phải bảo đảm thủ tục thân thiện, nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích cho trẻ em trong quá trình tố tụng.

Để tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình tiến hành tố tụng đối với các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 “Quy định chi tiết việc xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên”  .

Đối với pháp luật hành chính, trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em trong các lĩnh vực, như: An ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình; bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công nghệ thông tin; du lịch, giáo dục...

Đối với pháp luật về trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý đối với tất cả các trẻ em (Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 chỉ quy định trợ giúp pháp lý đối với trẻ em không nơi nương tựa). Theo đó, trẻ em có quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu trợ giúp trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại. Hình thức trợ giúp pháp lý gồm: Tham gia tố tụng (các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình…); tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng. Để triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ chứng minh là trẻ em khi yêu cầu trợ giúp pháp lý; đồng thời, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan ban hành Thông tư liên tịch quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Toàn cảnh Phiên họp

Quốc hội còn ban hành nhiều đạo luật, trong đó có nhiều quy định bảo vệ trẻ em và phòng ngừa xâm hại trẻ em như: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, văn bản dưới luật để thúc đẩy thực hiện các quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025; Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em ; phê duyệt nhiều Chương trình quan trọng như Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020… Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện; chủ động xây dựng nhiều chương trình phối hợp với các bộ, ngành hữu quan trong công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đoàn giám sát chỉ rõ, trong thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành chức năng đã ban hành hệ thống chính sách, văn bản pháp luật tương đối đầy đủ, kịp thời. Nội dung các văn bản đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền trẻ em; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Các văn bản được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; cơ bản phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Nghị định thư về chống mua bán phụ nữ và trẻ em.

Kết luận một số nội dung làm việc tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hoạt động giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” giai đoạn từ ngày 01/01/ 2015 đến ngày 30/6/2019 được Quốc hội đặt ra rất đúng lúc, rất đúng tầm, góp phần đánh giá được tình hình xâm hại trẻ em ở nước ta trong giai đoạn vừa rồi. Đồng thời, Hồ sơ của báo cáo giám sát đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 này. Tuy nhiên đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung cụ thể của báo cáo và phụ lục như ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này./.

Hồ Hương