CÔNG TÁC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CÒN HẠN CHẾ

02/05/2020

Báo cáo một số nội dung kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát cho biết công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của chính quyền địa phương vẫn còn một số mặt hạn chế.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, Đoàn giám sát cho biết, việc ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm hơn so với giai đoạn trước. Nội dung các văn bản đã thể chế hoá, cụ thể hóa kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, cơ bản phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội và từng bước đáp ứng yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là một số hình thức xâm hại trẻ em nổi lên tại mỗi địa phương. Một số Tỉnh ủy, Thành ủy đã ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; HĐND đã ban hành Nghị quyết về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (13 tỉnh, thành phố có văn bản của Tỉnh ủy, Thành ủy, 14 tỉnh, thành phố HĐND có các nghị quyết quy định các chế độ, chính sách liên quan đến trẻ em bị xâm hại, chế độ, chính sách đối với người làm công tác trẻ em ...).

Nhiều địa phương đã kịp thời triển khai thực hiện các Chỉ thị, Kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em: 61/63 tỉnh, thành phố ban hành các văn bản triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; 63/63 tỉnh, thành phố ban hành chương trình/kế hoạch thực hiện Thông báo số 324/TB-VPCP ngày 29/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em.

UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em (09/63 tỉnh, thành phố) ; ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình địa phương; ban hành văn bản giao nhiệm vụ và xác định trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em hoặc thực thi nhiệm vụ không đầy đủ, không kịp thời như UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Giang ; UBND 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị xâm hại cao hơn so với mức quy định trong Nghị định của Chính phủ ). 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội

Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, công tác ban hành chính sách, pháp luật về  phòng, chống xâm hại trẻ em tại nhiều địa phương còn có mặt hạn chế, cụ thể: Còn 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, HĐND các cấp chưa ban hành Nghị quyết để thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em tại địa phương mà hầu hết đều được lồng ghép vào Nghị quyết về kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em nên chưa đầy đủ, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Tại nhiều địa phương, UBND chậm ban hành chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm, điều kiện địa phương theo khoản 1 Điều 90 của Luật Trẻ em. Việc ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành tại một số địa phương còn hạn chế, nội dung nhiều văn bản chưa thật sự bám sát tình hình thực tế, thậm chí tại địa phương nổi lên một số hình thức xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận, nhưng chưa có văn bản chỉ đạo, điều hành để giải quyết. Tỉnh Hòa Bình có 89%, Nghệ An có 72% các vụ xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục, nhưng HĐND và UBND chưa ban hành văn bản về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Một số địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc như tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, xảy ra nhiều vụ mua bán trẻ em nhưng UBND tỉnh cũng chưa ban hành có văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống mua bán trẻ em.

Mặc dù các địa phương đều báo cáo và liệt kê số lượng lớn văn bản đã ban hành, tuy nhiên, nhiều văn bản nằm ngoài thời gian yêu cầu báo cáo của Đoàn giám sát, nhiều văn bản không liên quan trực tiếp đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Số lượng văn bản trực tiếp về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em còn rất hạn chế: UBND tỉnh Đắk Lắk trong 05 năm chỉ ban hành 05 văn bản trực tiếp về phòng, chống xâm hại trẻ em trong khi đây là một trong số các tỉnh có số vụ trẻ em bị xâm hại nhiều; UBND tỉnh Lai Châu trong 05 năm chỉ ban hành 07 văn bản liên quan đến công tác trẻ em, trong đó chỉ có 02 văn bản trực tiếp về phòng, chống xâm hại trẻ em.Vẫn còn tình trạng chậm triển khai các Chỉ thị, Kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương ban hành kế hoạch triển khai sau khi Chỉ thị, Kết luận có hiệu lực thi hành từ 01 đến 02 năm...

Qua kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản của UBND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, hầu hết văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND là do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, tham mưu, trong khi đó, nhiều nội dung công tác phòng, chống xâm hại trẻ em có trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông... nhưng chưa tham mưu đầy đủ, dẫn tới việc triển khai các công tác về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa toàn diện, kém hiệu quả.

Tại Phiên họp, một số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của chính quyền địa phương của các địa phương đã được quan tâm hơn; tuy nhiên nhiều địa phương chậm ban hành chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm, điều kiện địa phương. Do đó, tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các Bộ, ngành tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đoàn Giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội vào Kỳ họp tới đây./.

Hồ Hương