ĐBQH NGUYỄN QUỐC HẬN: ĐIỀU CHỈNH LẠI QUY HOẠCH SẢN XUẤT THÍCH ỨNG VỚI HẠN MẶN

02/05/2020

Nhiều năm trở lại đây, đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất Việt Nam trước những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt từ tháng 12/2019 tới nay, hạn hán xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân ĐBSCL, 39.000 ha lúa bị thiệt hại, 95.600 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.


Cây trồng ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, xâm nhập mặn

Kênh Nổi phục vụ nước tưới cho cây trồng của bà con xã Hiệp Thạnh

Kênh Nổi là tuyến kênh phục vụ nguồn nước tưới cho cây trồng của bà con nhân dân xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tuy nhiên, hạn hán khốc liệt đã khiến tuyến kênh dài hơn 3,5 km này cạn kiệt, khó đáp ứng được việc bơm nước tưới tiêu cho bà con.

Bà Lê Thị Sang cho biết, nắng nóng năm nay gay gắt nên 500 gốc cây thanh long của gia đình bà không được tưới nước theo đúng kỹ thuật do tuyến kênh Nổi cung cấp nước tưới đã cạn trơ đáy. Nguy cơ ảnh hưởng lớn tới năng suất cây trồng.

Bà Lê Thị Sang: Nắng nóng không có nước tưới cho cây thanh long

Không riêng gì xã Hiệp Thạnh, nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn tỉnh Long An cũng trong tình trạng hạn mặn. Thiếu nước đã khiến hơn 1.200 ha cây thanh long của tỉnh bị thiệt hại, hơn 6.500ha chanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như vậy, chỉ trong mùa khô 2019-2020 các tỉnh ĐBSCL đã có tới 80.000ha cây ăn trái bị thiệt hại bởi hạn mặn.

Trên những cánh đồng lúa, tình trạng ruộng nứt nẻ, lúa khô chết cháy cũng phổ biến tại nhiều cánh đồng lúa ở tỉnh Long An. Tại xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, người nông dân chỉ biết xót xa khi nhìn ra cánh đồng chết dần. Nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay, chưa kể trung bình mỗi hecta lúa nông dân đầu tư từ 20 - 25 triệu đồng chi phí sản xuất. Ước tính toàn tỉnh Long An có gần 4.200 ha lúa bị thiệt hại.

Tại tỉnh Bạc Liệu, trên các trục kênh nội đồng mực nước xuống rất thấp, dẫn đến vụ lúa Đông Xuân của tỉnh giảm còn gần 43.000 hecta, giảm 5.400 hecta so kế hoạch đầu năm. Trong tổng số 1,54 triệu ha lúa Đông Xuân xuống giống của các tỉnh ĐBSCL thì có tới 39.000 ha bị thiệt hại.

Hạn mặn ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân

Tại ĐBSCL, toàn khu vực đã chứng kiến đợt xâm nhập mặn mạnh nhất trong lịch sử. 5 tỉnh gồm Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp. 95.600 hộ dân ĐBSCL gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng có tới 24.000 hộ bị ảnh hưởng. Tại tỉnh Long An cũng có tới 8000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, không ít người đã phải mua nước ngọt với giá rất cao lên đến 200 nghìn đồng/m3.

Bà Lữ Thị Bạch Loan: Bình chứa nước mưa của gia đình đã cạn kiệt từ nhiều tháng

Bà Lữ Thị Bạch Loan, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết: Những bế chứa nước mưa của gia đình bà đã cạn kiệt từ nhiều tháng, nhứng may nhờ có sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chở các xe bồn chở nước về cấp miễn phí cho người dân địa phương nên ai cũng rất phấn khởi và vơi đi phần nào nỗi lo thiếu nước.

Tăng Văn Thuận: Vui mừng đến lấy nước ở khu vực tập trung về dùng

Còn ông Tăng Văn Thuận ở phường 8, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre cho biết: Nước máy ở nhà rất mặn, không biết độ mặn bao nhiêu nhưng rửa mặt cũng đã thấy mặn đắng. Do vậy, vào mỗi buổi sáng gia đình phải thay nhau đến địa điểm cấp nước miễn phí tập trung để lấy nước ngọt về sinh hoạt. Do số lượng người đông nên mỗi người đều có ý thức chỉ nhận 2 can 30 lít nước ngọt về dùng trong ngày.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác khảo sát công trình đập tạm trên sông Ba Lai (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre)

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, ngày 8/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn công tác khảo sát đập tạm trữ nước ngọt Ba Lai, cống ngăn mặn An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Đây là những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn sau khi tỉnh Bến Tre có quyết định tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.

Qua khảo sát thực tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tỉnh Bến Tre và các ngành liên quan phải quyết tâm thực hiện với tinh thần đến năm 2023, Bến Tre sẽ không còn mặn và đủ nước sạch, nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống của người. Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tỉnh cần rút kinh nghiệm thực tế từ đập tạm trữ ngọt Ba Lai, từ đó có tính toán căn cơ lâu dài để tạo nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh trong những năm tiếp theo”.

Tiếp đó, Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, hạn mặn năm nay lịch sử, do đó, thiệt hại cho nhân dân các tỉnh rất lớn. Trước hết, cần giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt, đảm bảo tiêu chuẩn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là có giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nguồn nước về ĐBSCL để thông tin kịp thời tới các cấp, các ngành. Phối hợp với địa phương đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách.

Ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng). Nguồn hỗ trợ này để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất nhằm thích ứng với hạn mặn

39.000 ha lúa bị thiệt hại, 95.600 hộ dân ĐBSCL gặp khó khăn về nước sinh hoạt, 5 tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã vào tận nơi thị sát, chỉ đạo các địa phương tại ĐBSCL về công tác ứng phó với hạn mặn, điều này cho thấy tính chất nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với khu vực này là rất nghiêm trọng. Rõ ràng xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng tới bà con nông dân mà còn là bài toán khiến nhiều cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương phải tìm ra lời giải. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận: Nên điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

Phóng viên: Là đại biểu của một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong mùa khô 2019-2020, đại biểu cho biết hạn hán, xâm nhập mặn đã tác động như thế nào tới sản xuất, sinh hoạt của người dân Cà Mau?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Ngay từ đầu mùa khô, tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch chủ động ứng phó với hạn, mặn bằng các biện pháp công trình, phi công trình nhằm hạn chế thiệt hại như: đẩy mạnh xây dựng, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi; chuyển dịch mùa vụ nhằm né mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bảo vệ diện tích cây ăn quả; trang bị hệ thống máy lọc, mở rộng mạng lưới đường ống nước;tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin xâm nhập mặn đến người dân...Tuy nhiên, mùa khô 2019-2020, tỉnh Cà Mau là địa phương chịu tác động rất nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặnvà tỉnh đã buộc phải công bố tình trạng khẩn cấp cấp độ 2.

Hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến hơn 20.500 ha lúa và rau màu của tỉnh Cà Mau bị thiệt hại, trong đó, gần 6.850 ha lúa bị thiệt hại từ 30 đến 70%, hơn 13.600 ha lúa thiệt hại từ 70% trở lên. Cùng với đó, gần 21.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán diễn ra trên diện rộng. Hạn hán cũng đã khiến hệ thông kênh trục cạn nước, khô cạn dẫn đến mất phản áp của nước vào thành bờ, gây ra hiện tượng sụp lún, sạt lở lộ giao thông, đê biển, rò rỉ, xói đáy các cống ngăn mặn với 1.100. Đặc biệt trên tuyến đê biển Tây, tuyến Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc tình trạng sạt lở, sụp lún diễn ra nghiêm trọng.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết những khó khăn, thách thức của tỉnh Cà Mau trong công tác phòng chống, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tỉnh Cà Mau có ba phía giáp với biển nên là địa phương bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi mặn xâm nhập do các kênh rạch nối từ biển vào trong đất liền. Bên cạnh đó, năm nay mưa ít, nguồn nước mặt cạn kiệt, mặn đến sớm và xâm nhập sâu vào trong nội đồng rất cao dẫn đến mực nước và chất lượng nước ngầm giảm sút. Hơn nữa sản xuất và sinh hoạt của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, nên khi khi hạn mặn khốc liệt thì người dân không có nước ngọt bổ sung, do đó tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác do dân cư sinh sống rải rác, không tập trung, nhiều vùng nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, nhiễm mặn, một số công trình cấp nước tập trung bị xuống cấp khiến cho người dân khó khăn trong tiếp cận nguồn nước.

Hạn hán diễn biến phức tạp không chỉ gây nên tình trạng thiếu nước ngọt, mà còn làm cho độ mặn trong nước tăng cao, kéo theo hàng loạt yếu tố liên quan đến môi trường bị biến động gây bất lợi cho sinh hoạt và tăng  gia sản xuất của bà con nông dân.

Cà Mau là vùng đất bồi, địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu khiến việc khắc phục và phòng chống sạt lở gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cũng do địa chất yếu nên tình trạng sạt lở, sụt lún rất khó có thể lường trước được. Nó có thể sạt lở, sụt lún bất cứ lúc nào, bất cứ đâu nên rất khó khăn trong công tác chuẩn bị phòng chống sạt lở, sụt lún cũng như là dự báo trước tình hình.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất kiến nghị gì để ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra và tác động rộng lớn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng gắn liền với biến đổi khí hậu cho nên các địa phương phải rà soát lại quy hoạch cặn cứ vào Nghị quyết 120 của Chính phủ. Chúng ta không thể nào chống chọi được với thiên nhiên, với biến đổi khí hậu cho nên trong tình hình này chúng ta nên biến khó khăn, thách thức thành lợi thế. Do vậy theo tôi nên điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất ví dụ như xây dựng các tuyến đường chúng ta cũng phải tính về độ cao để thích ứng với nước biển dâng. Bên cạnh đó có thể xây dựng các cầu cảng để điều chỉnh các quy hoạch, sau đó đầu tư khép kín, vùng nào ngọt thì đầu tư khép kín để đảm bảo giữ ngọt. Còn vùng nào mặn thì chúng ta phải tìm loại cây con thích hợp để trồng.

 Ngoài ra, các Bộ ngành Trung ương tiếp tục tích cực nghiên cứu, có kết luận cụ thể để có giải pháp khắc phục và đầu tư phù hợp hiệu quả hơn cho vùng ĐBSCL trong đó có tỉnh Cà Mau từ cơ sở hạ tầng giao thông cho tới các tuyến kênh rạch. Về lâu dài, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét cho triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt.

Phóng viên: Để giải quyết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, theo đại biểu chính quyền địa phương nên tập trung giải quyết vấn đề trọng yếu nào trước mắt?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Ở góc độ chính quyền địa phương nên tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm để người dân điều chỉnh quy hoạch mùa vụ và chủ động công tác ứng phó. Ví dụ dự báo trước tình trạng xâm nhập mặn, thông báo kịp thời, định hướng kịp thời thì dân sẽ có kế hoạch đắp cao bờ bao, các bờ đê để bảo vệ cây trồng, vật nuôi không để nước mặn tràn vào.

Bên cạnh đó theo dõi sát diễn biến thời tiết, điều chỉnh lịch thời vụ nuôi trồng các loại hình cây, con phù hợp từng vùng, tiểu vùng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu các loại giống cây con phù hợp để hướng dẫn bà con đưa cây trồng, vật nuôi vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp đa dạng.

Đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất lúa, tôm, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuyên truyền để nông dân sản xuất đúng vụ, giảm rủi ro, giảm những thiệt hại không đáng có.

Với các điểm sạt lở, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, dự báo, cắm các biển báo để tránh thiệt hại có thể xảy ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Cũng theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận để phòng, chống hạn, mặn hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cần có các giải pháp đúng đắn, đồng bộ, kịp thời, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Song song với đó là tập trung phát triển quy hoạch vùng, tái cấu trúc kinh tế vùng và các địa phương, trong đó phải có quy hoạch giao thông, quy hoạch thuỷ lợi.... theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng lưu ý, cần đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu do lưu lượng về thấp, khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước cho các tuần trước triều cường ở các thời kì khan hiếm nước, hạn chế tiêu thoát nước. Bên cạnh đó tập trung nguồn lực sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình bị ảnh hưởng bởi hạn hán xâm nhập mặn, bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý. /.

Lê Phương