NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

04/05/2020

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 44 vừa qua đã có quy định bổ sung đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là nội dung mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phải có đánh giá tác động kỹ lưỡng.

 

Nhiều điểm tích cực khi để đơn vị sự nghiêp đưa người đi lao động ở nước ngoài

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ cho phép thỏa thuận với một số nước đưa chuyên gia và lao động đi làm việc ở nước ngoài và đã giao cho các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện. Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang triển khai đưa lao động sang Hàn Quốc và Nhật Bản theo các Bản Ghi nhớ ký với Bộ Lao động Hàn Quốc và với Hiệp hội phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan).

Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - Ảnh: Nguồn ITN

Đối với việc đưa lao động sang Hàn Quốc, thực hiện Bản Ghi nhớ về việc đưa người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình Cấp phép làm việc giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc, kể từ năm 2004, hiện có 49.000 lao động đang làm việc ở Hàn Quốc trong các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ.

Đối với công tác đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản, thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Hiệp hội phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, kể từ năm 2005, đã đưa hơn 4.000 tu nghiệp sinh từ các địa phương và  cơ sở đào tạo đi làm việc ở Nhật Bản. Số tu nghiệp sinh này sau khi kết thúc hợp đồng tu nghiệp về nước sẽ được bố trí giới thiệu việc làm; đồng thời được IMM Japan trợ cấp 01 khoản tiền là 600.000 Yên (tương đương gần 100 triệu đồng) để tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, còn có các chuyên gia sang các nước Châu Phi là một hình thức đặc thù, theo chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh hợp tác với các nước Châu Phi, giúp các nước này phát triển kinh tế - xã hội và được thực hiện thông qua các Hiệp định Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số lượng chuyên gia đưa đi làm việc tại các nước không nhiều: Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa chuyên gia giáo dục làm việc tại các cơ sở đào tạo của Angola (khoảng 100 người); Bộ Y tế đưa chuyên gia y tế làm việc tại Algeria, Modzambique và Angola (khoảng 200 người); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa chuyên gia nông nghiệp làm việc tại một số quốc gia Châu Phi trong khuôn khổ hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - FAO và một số quốc gia Châu Phi (dưới 100 người).

Qua nghiên cứu cho thấy, việc để các đơn vị sự nghiêp đưa người đi lao động ở nước ngoài có nhiều mặt tích cực.

Một là, việc cho phép các tổ chức sự nghiệp thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần làm đa dạng hóa các hình thức đi làm việc ở nước ngoài, tạo cơ hội để người lao động đi làm việc ở nước ngoài với chi phí thấp hơn, thu nhập cao hơn. Hàng năm, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này chiếm 11%, đứng thứ hai sau doanh nghiệp dịch vụ. Hiệu quả kinh tế và xã hội mà hình thức này mang lại cũng rất lớn.

Bên cạnh đó, chi phí ban đầu để đi làm việc ở nước ngoài thông qua tổ chức sự nghiệp là rất thấp nên số tiền người lao động tích lũy được sau khi hoàn thành hợp đồng sẽ lớn hơn nhiều so với các hình thức đi qua các doanh nghiệp dịch vụ. Dưới góc độ xã hội, hình thức này đã tạo ra cơ hội để các đối tượng chính sách xã hội như người nghèo, người dân tộc.v.v được đi làm việc ở nước ngoài, qua đó vừa tăng thu nhập để góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng lao động các vùng sâu, vùng xa.

Hai là, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo tốt hơn. Thông thường, các điều kiện khi đi làm việc ở nước ngoài, chế độ, quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua hình thức này đã được đưa vào thỏa thuận cấp Bộ. Vì thế, khi triển khai thực hiện, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động luôn được đảm bảo, các phát sinh tranh chấp liên quan tới người lao động và chủ sử dụng lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài thường không nhiều và ngay cả khi có phát sinh, sự phối hợp xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng của hai nước cũng rất  kịp thời nên hầu như không có những vấn đề phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động xảy ra.

Ba là, công tác tuyển chọn, đào tạo được công khai minh bạch, người lao động có chất lượng lao động tốt. Khi tuyển chọn lao động theo hình thức này, các Tổ chức sự nghiệp đều thông báo công khai các thông tin liên quan như điều kiện tuyển chọn, ngành nghề, chi phí .v.v. Yêu cầu về chất lượng lao động thường cao hơn, bên cạnh đó quy trình và nội dung đào tạo được thực hiện nghiêm ngặt hơn, chất lượng lao động vì thế được cải thiện hơn.

Còn thiếu quy định đối với tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện hành đã quy định điều kiện, các trường hợp để tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức sự nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện hành quy định Tổ chức sự nghiệp được đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp thực hiện Thỏa thuận quốc tế do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ký với bên nước ngoài nhưng tại Nghị định 126/2007/NĐ-CP, Chính phủ chỉ giao trách nhiệm cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội “Đàm phán, đề nghị cấp có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế về lao động theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; ký kết các thỏa thuận quốc tế về lao động theo quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế”. Như vậy, có thể hiểu các bộ, ngành khác không được giao chức năng đàm phán, ký kết các thỏa thuận về lao động nhưng lại tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các thỏa thuận Bộ, ngành đó ký.

Mặt khác, theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn, lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng lại không quy định là khi các Bộ, ngành khác ký thỏa thuận về lao động và chuyên gia với nước ngoài thì có hay không cần lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành. Điều này vừa gây khó khăn cho công tác phối hợp và quản lý, vừa không tránh khỏi những điều không phù hợp liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động khi đàm phán, ký kết thỏa thuận.

Luật và các văn bản hướng dẫn đã không chỉ rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do tổ chức sự nghiệp xây dựng.

Luật hiện hành có quy định về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã không xem xét đến tính đặc thù của tổ chức sự nghiệp “ là tổ chức do Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập” nên việc áp dụng các quy định đó để xử lý là không phù hợp. Ví dụ các đơn vị này hoạt động theo quyết định thành lập của Bộ và theo thỏa thuận với bên nước ngoài nên khi vi phạm hành chính không thể áp dụng biện pháp “thu hồi Giấy phép” hoặc “ đình chỉ có thời hạn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” được. Luật cũng chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý của các Bộ chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lỗ hổng trong quản lý

Trong thực tiễn hoạt động triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, công tác quản lý đối với việc thực hiện thỏa thuận do Bộ, cơ quan ngang Bộ ký với bên nước ngoài cũng có nhiều điểm hạn chế dẫn tới tình trạng không kiểm soát được số lao động (chuyên gia, tu nghiệp sinh) đưa đi.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012, Israel tiếp nhận 622 tu nghiệp sinh nông nghiệp của Việt Nam trong đó công ty OLECO - đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ - trực tiếp tuyển và đưa đi là 210 người (chiếm 33.7%). Năm 2013, số lượng phía bạn tiếp nhận khoảng 800 người và công ty OLECO cũng chỉ đưa đi được 243 người (chiếm 30%). Số còn lại là do các trường đào tạo tự liên kết đưa đi không thông qua cơ quan quản lý nhà nước. Có thể nói, việc mở rộng cho các tổ chức sự nghiệp thuộc các bộ, ngành đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng chế tài ràng buộc trách nhiệm với vai trò quản lý của Bộ chủ quản lại chưa được quy định rõ ràng trong Luật đã dẫn tới những lỗ hổng trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, các Bộ không thực hiện đúng quy định về việc giao cho đơn vị sự nghiệp thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Bộ ký.

Các tổ chức sự nghiệp chưa triển khai đầy đủ các quy định của Luật. Tổ chức sự nghiệp của các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hầu như không thực hiện việc báo cáo về nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động (nếu có), Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và phương án tổ chức thực hiện trước khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong nhiều năm liên tục không thực hiện việc ký hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động.

Cùng với sự phát triển của các hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì việc chỉ quy định tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ được thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ bỏ qua các tổ chức sự nghiệp ở địa phương, đặc biệt trong bối cảnh các địa phương có hoạt động hợp tác lao động với địa phương ở nước tiếp nhận.

Làm rõ đơn vị sự nghiệp nào được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 44 vừa qua đã bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc báo cáo xin ý kiến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trước khi ký các thỏa thuận về hợp tác lao động; Quy định tổ chức sự nghiệp chỉ được phép hoạt động sau khi đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép theo đề nghị của cơ quan chủ quản; Quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản của tổ chức sự nghiệp; Quy định bổ sung các thỏa thuận mà tổ chức sự nghiệp được thực hiện; Quy định Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giúp Chính phủ quản lý các tổ chức sự nghiệp tham gia hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Quy định hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức sự nghiệp để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; Quy định chế tài xử lý đối với tổ chức sự nghiệp vi phạm quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại phiên họp thứ 44 

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đối với quy định mở rộng thêm đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương được quyền đưa người lao động đi làm việc nước ngoài cần làm rõ hơn là đơn vị nào.

Có cùng đề nghị cần làm rõ thêm về việc bổ sung đơn vị sự nghiệp ở cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo thỏa thuận quốc tế cấp tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang thực hiện về cơ bản tốt như hiện nay, cần có thêm đánh giá có nên mở rộng thêm đối tượng đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh hay không? Thứ hai là có nhiều thỏa thuận quốc tế ở cấp tỉnh để các đơn vị này có thể thực hiện được hay không?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, khung pháp lý mà áp dụng đối với doanh nghiệp dịch vụ và đối với đơn vị sự nghiệp thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài nó cũng có những điểm khác biệt tương đối lớn. Doanh nghiệp chịu một chế định khắt khe hơn rất nhiều. Ví dụ, doanh nghiệp muốn thành lập thì phải có ký quỹ, phải có người đại diện, phải có một số quy định ràng buộc khác. Trong khi đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ có được giao nhiệm vụ là thực hiện. Trong trường hợp mà doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với người lao động mà mình đã đưa đi làm việc ở nước ngoài, nhưng quy định tương tự như vậy thì không áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, cần làm rõ thêm những vấn đề này.

Kết luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; tiếp tục lấy ý kiến một cách khách quan, đầy đủ của các đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động của dự án Luật và của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Đồng thời lưu ý bổ sung và hoàn thiện các Báo cáo bảo đảm tính cập nhật, thống nhất, có chất lượng để làm cơ sở cho việc thẩm tra, bao gồm: đánh giá tác động chính sách; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ; tình hình thực hiện các hiệp định song phương hoặc đa phương hoặc các biên bản ghi nhớ có liên quan đến lĩnh vực này./.

Bảo Yến