Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH VỀ CƠ CHẾ CHIA SẺ PHẦN TĂNG, GIẢM DOANH THU VÀ KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC PPP

07/05/2020

Trong Hồ sơ Dự án Luật trình tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về nội dung liên quan đến cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu và hoạt động của kiểm toán Nhà nước trong đầu tư được quy định tại dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP).

Toàn cảnh Phiên họp thảo luận về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP)

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, có ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí quan điểm phải có cơ chế chia sẻ về doanh thu, theo đúng bản chất đối tác giữa khu vực công và khu vực tư. Tuy nhiên, đề nghị quy định cơ chế này áp dụng đối với tất cả các dự án PPP; quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ, khi nào thì chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào và rủi ro nào Nhà nước phải chịu, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu; chia sẻ rủi ro bằng doanh thu khi giảm doanh thu hay chỉ chia sẻ rủi ro khi thua lỗ, mất vốn; cơ sở xác định chia sẻ rủi ro 50%, 75%...; xây dựng cơ chế kiểm toán hoặc cơ quan trung gian có thẩm quyền xác định chính xác mức doanh thu tăng giảm quá lớn phải thực hiện cơ chế chia sẻ; quy định về cấp có thẩm quyền quyết định, điều kiện, đối tượng áp dụng, nguồn tiền để xử lý khi rủi ro xảy ra, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính quốc gia. Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đề nghị xem xét tỷ lệ phần trăm (tăng và giảm) doanh thu, Nhà nước phải chia sẻ phần bù đắp do các khả năng dự báo đầu tư, quản lý vận hành dự án của nhà đầu tư không đáp ứng thực tiễn là chưa phù hợp; đồng thời bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm các bên có liên quan. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Điều 83 vì cho rằng quy định này không phù hợp, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP được thực hiện thông qua đấu thầu, tuân thủ nguyên tắc thị trường “lời ăn lỗ chịu”; nếu có sự chia sẻ của Nhà nước sẽ tạo tâm lý ỷ lại hoặc phụ thuộc của  nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP vào Nhà nước khi thực hiện dự án PPP, làm cho dự án PPP không mang lại hiệu quả cao .

Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 86), có ý kiến đại biểu chuyên trách đề nghị Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân tham gia dự án vì dự án PPP không hoàn toàn là dự án đầu tư công cũng như không hoàn toàn là đầu tư tư nhân, bản chất dự án PPP là dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển. Có ý kiến đề nghị quy định Kiểm toán nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP mà không giới hạn trong phạm vi phần vốn góp của Nhà nước vào dự án nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý và cung cấp dịch vụ công của Nhà nước với người dân và xã hội.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định trong Luật trường hợp các bên trong hợp đồng PPP thỏa thuận để Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với vốn đầu tư xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp dự án PPP (bao gồm cả khu vực công/Nhà nước và khu vực tư nhân). Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia ngay từ đầu để quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc không quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý; góp phần phân loại dự án, phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP… Dự thảo Luật cần bổ sung, khẳng định với chức năng, nhiệm vụ, Kiểm toán nhà nước có quyền: Quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm đối với dự án PPP và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức.

Kết luận một số nội dung tại Phiên thảo luận về Dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, quy định về cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu là một phương án cởi mở để có thể thu hút được các nhà đầu tư, do đó đồng tình là sẽ có chia sẻ rủi ro và chia sẻ rủi ro với điều kiện là khi tăng, giảm kết quả sản xuất, kinh doanh, hoặc giảm doanh thu, khi nhà nước thay đổi, hay nói cách khác, trong trường hợp như nhà nước như thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh thì nên có chia sẻ. Tuy nhiên cũng cần đưa ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận. Phuơng án 1 là khi giảm doanh thu thì chia sẻ số doanh thu giảm theo điều kiện như Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích là 50:50, tăng lên thì cũng được hưởng 50%, mà giảm đi cũng là 50%. Phương án 2 là khi bị thua lỗ, nhưng thua lỗ không phải đến điểm hòa vốn, mà thua lỗ là do những chính sách của nhà nước dẫn tới thua lỗ thì cũng chia sẻ 50% phần lỗ, nhà nước hỗ trợ bù lỗ 50%. Nếu vượt qua mức lãi trong hợp đồng thì cũng chia sẻ 50%. Và vấn đề này sẽ đưa ra Quốc hội thảo luận. Còn về hoạt động kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành có quy định kiểm toán, tuy nhiên khi nào kiểm toán và kiểm toán ở khâu nào thì tiếp tục nghiên cứu; đồng thời nội dung này không nên quy định quá chặt, gây cứng nhắc, không thu hút được đầu tư./.

Hồ Hương