BÁO CÁO THẨM TRA VIỆC GIA NHẬP CÔNG ƯỚC SỐ 105 CỦA ILO VỀ XÓA BỎ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC

20/05/2020

Chiều 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

 

Việc gia nhập Công ước số 105 của ILO sẽ có những tác động tích cực

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức (sau đây gọi chung là Công ước số 105), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết qua thẩm tra, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO. Đồng thời, trong thời gian qua hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức (sau đây gọi chung là Công ước số 105)

Tính đến ngày 26/3/2020, trên thế giới đã có 173/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam gia nhập Công ước số 29 vào năm 2007).

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Công ước số 105 thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định gia nhập của Quốc hội.

Trình tự, thủ tục đề nghị gia nhập Công ước số 105 tuân thủ quy định tại khoản 14 Điều 70, khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Điều 41 Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Căn cứ vào các quy định này, cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 105 sau khi có ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của cơ quan, tổ chức liên quan.

Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 đảm bảo theo quy định tại Điều 45 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 về hồ sơ trình gia nhập điều ước quốc tế.

Việc gia nhập Công ước số 105 của ILO có tác động tích cực về chính trị, đối ngoại, đồng thời góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng, giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó. Cùng với đó, việc gia nhập và thi hành Công ước số 105 sẽ không làm tăng chi phí xã hội, chi phí triển khai thực hiện và không làm thay đổi nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam do nước ta đã gia nhập Công ước số 29 và các tiêu chuẩn của Công ước số 105 đã được đưa vào các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Tuy nhiên, việc gia nhập Công ước số 105 sẽ gặp phải một số thách thức nhất định như: năng lực của người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức còn hạn chế; cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động liên quan theo quy định của Công ước số 105 còn tiếp tục rà soát, hoàn thiện. 

Quốc hội nghe trình bày báo cáo 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay: Các quy định của Công ước số 105 về cấm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc phù hợp với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua rà soát cho thấy các quy định của Công ước số 105 phù hợp với các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó không đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nói trên để thực hiện Công ước này.

Kiến nghị xem xét quyết định gia nhập Công ước 105 và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai

Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức với những nội dung sau:

(i) Tên gọi: Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

(ii) Hình thức: Điều ước quốc tế đa phương.

(iii) Danh nghĩa gia nhập: Công ước số 105 được gia nhập với danh nghĩa Nhà nước.

(iv) Ngôn ngữ: Công ước được lập bằng tiếng Anh và tiếng Pháp có giá trị như nhau.

(v) Về hiệu lực: Công ước có hiệu lực với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện gia nhập của Việt Nam được đăng ký với Tổng giám đốc Văn phòng ILO.

(vi) Về hình thức, thời hạn hiệu lực: Công ước số 105 có hiệu lực vô thời hạn.

(vii) Về việc áp dụng Công ước: Công ước số 105 sẽ được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ nếu Việt Nam gia nhập Công ước này.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì sớm nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số, hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát tổng thể đối với việc thực thi hệ thống các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai việc thực thi Công ước; xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan tổ chức có liên quan, đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động có liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác