QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ VIỆC BỔ SUNG VỐN ĐIỀU LỆ CHO NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM

10/06/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

 

Trước đó trong ngày 08/6, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); tiến hành thảo luận Tổ về nội dung này. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV nội dung: Đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Với vị trí, vai trò quan trọng của Agribank trong hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc bổ sung vốn điều lệ không chỉ bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng mà còn có tính lan tỏa, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh làm rõ, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu cho ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động bất thường thì tăng vốn điều lệ sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng, cũng như giúp ngân hàng gia tăng huy động vốn, mở rộng tín dụng. Đặc biệt đối với tín dụng của Agribank có đến 70% là dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên cần phải có sự hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng điểm quan trọng nhất là chi bổ sung vốn điều lệ cho Agribank không phải chi tiêu dùng mà là chi đầu tư và chi đầu tư thì cần xem xét đến hiệu quả. Qua xem xét các báo cáo kiểm toán đối với Agribank cho thấy, lợi nhuận trước thuế trên 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng sau thuế là 11.048 tỷ, trong khi vốn điều lệ chỉ có 30.000 tỷ. Điều này cho thấy tỉ suất lợi nhuận và hiệu quả đầu tư ở đây. Do đó đại biểu bày tỏ nhất trí cao đối với việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị lãnh đạo ngân hàng cân nhắc khi phát triển mạng lưới chi nhanh nên ưu tiên ở khu vực nông thông; đề nghị tăng cường thêm hoạt động của ngân hàng di động; quan tâm phát triển mở rộng tín dụng tiêu dùng với hộ nông dân nhằm đầy lùi tìn dụng đen và cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn. Cho biết người dân còn thiếu thức quản lý tài chính, đại biểu đề nghị khi ngân hàng cho vay cần hỗ trợ tư vấn quản lý tài chính để nắm được nguồn vốn, sử dụng hiệu quả, trả lãi hợp lý. Đồng thời quan tâm hơn đến đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp để nông nghiệp phát triển trong đó quan tâm đến chương trình tài trợ tư vấn sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Ngân hàng cũng cần quan tâm chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng nông nghiệp, đạo đức nghề nghiệp.

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cũng trao đổi thêm về chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại. Đại biểu cho biết trong hệ thống tổ chức tín dụng có 04 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước. Hiện nay cả 04 ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Trong số 04 ngân hàng này chỉ có Agriabank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước còn các ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỉ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về mặt chính sách cần khẳng định rõ tại thời điểm hiện nay mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cụ thể cho một ngân hàng thương mại cụ thể và đây không phải là việc thay đổi chính sách theo hướng dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị thời gian tới khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 25/2016/QH14 trong đó có quy định liên quan đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại thì cũng cần tổng kết đánh giá toàn diện quy định không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại. Từ đó có cơ sở để định hướng điều chỉnh chính sách phù hợp theo hướng vừa đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng vừa bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, không tạo áp lực cho ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu bày tỏ băn khoăn khi nguồn tăng vốn điều lệ cho ngân hàng Agribank lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. Đại biểu đặt vấn đề trong bối cảnh Covid và dự báo còn nhiều ảnh hưởng khó lường đối với nền kinh tế, cùng với đó thu ngân sách nhà nước năm nay gặp nhiều khó khăn thì thời điểm xem xét bổ sung vốn và nguồn sử dụng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi năm 2019 để bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại có thực sự hợp lý. 

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Công Hồng, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng cần có Nghị quyết riêng về nội dung này và không đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận Quốc hội nhất trí về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9 nội dung: nhất trí bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 là bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019, tương ứng với số lượng lợi nhuận sau thuế thực nộp của ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh