ĐBQH LÝ TIẾT HẠNH CHO Ý KIẾN VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020

15/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh phát biểu

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông và đồng thời nghiên cứu các tài liệu liên quan, đại biểu Lý Tiết Hạnh cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, từ thực tiễn theo dõi quá trình xây dựng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam thời gian qua, xác định đây là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đối chiếu với Nghị quyết 52 của Quốc hội, đại biểu có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, đối với đoạn đường bộ cao tốc đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, đại biểu đồng tình, cần điều chỉnh phương thức đầu tư để đảm bảo thực hiện được dự án theo đúng tiến độ. Đại biểu có 02 kiến nghị: Một là, sau khi dùng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng thì phải có ngay phương án thu hồi vốn để đảm bảo nguồn vốn tiếp tục được đầu tư thực hiện các công trình trọng điểm khác.

Hai là, phương án nhượng quyền thu phí theo Chính phủ đề xuất, là phù hợp. Bởi vì, đây là một hình thức thu hút đầu tư và nếu như ở giai đoạn đầu tư xây dựng, chúng ta chưa thu hút được các nguồn vốn, sau khi Nhà nước bỏ tiền ra để đầu tư hoàn thiện, chúng ta kịp thời có phương án chuyển giao phù hợp. Đây cũng là một hình thức huy động vốn rất tốt. Cho nên, đại biểu đồng tình với phương án nhượng quyền thu phí như Chính phủ đề xuất. Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ thì đây mới là phương án tính toán sơ bộ. Mặt khác, trong thời gian qua có rất là nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành việc thu phí này.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ phương án thu hồi vốn để đảm bảo khả thi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước cũng như là nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư, đảm bảo là không làm đội vốn và không làm tăng nợ công.

Thứ hai, liên quan đến Dự án, đại biểu bày tỏ băn khoăn, nội dung về công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, đến cử tri. Thực tế, trong thời gian qua người dân, cử tri cũng hết sức quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam. Vì vậy, hôm nay chúng ta đang bàn một bước rất quan trọng trong việc chuyển hình thức đầu tư. Do vậy, đại biểu kiến nghị cần phải có thông tin đầy đủ, kịp thời đến cử tri, người dân để hiểu, đồng thuận và có sự phối hợp.

Đồng thời, theo tinh thần các Nghị quyết Quốc hội đã thông qua về công trình đường cao tốc Bắc – Nam, đại biểu kiến nghị cần phải tiếp tục rà soát tổng thể, toàn diện suốt toàn tuyến để đề xuất việc triển khai tiếp các đoạn còn lại trên tuyến, nếu như đảm bảo các điều kiện thì đại biểu kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc.

Riêng đoạn đường cao tốc từ Bình Định đến Khánh Hòa. Hiện nay đây là một đoạn đường rất hẹp và độc đạo, lưu lượng giao thông qua lại rất đông và thực trạng của đường quốc lộ hiện nay, tức là đường độc đạo, chúng ta phải thường xuyên sửa chữa, tu bổ, rất tốn kém. Vì vậy, đại biểu cũng kiến nghị, cùng với việc chúng ta thực hiện các tuyến khác thì cần phải có phương án để sớm triển khai thực hiện các đoạn tuyến còn lại, trong đó có đoạn tuyến Bình Định - Khánh Hòa. Đồng thời, để tạo sự thông suốt, liên hoàn kết nối hạ tầng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc cần chú ý phát triển các mạng lưới giao thông theo chiều ngang, kết nối các vùng, như khu vực miền Trung - Tây Nguyên rất cần có các đường và mạng lưới giao thông kết nối với các khu vực Tây Nguyên ra đến các cửa khẩu với các nước bạn có chung đường biên giới. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng để khai thác một cách hiệu quả nhất của hạ tầng giao thông.

Thứ ba, kinh nghiệm cho thấy nếu chủ động làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo người dân trong vùng dự án sớm an tâm, ổn định cuộc sống thì sẽ rất thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án và cũng có lợi cho người dân. Đối với công tác quản lý nhà nước sẽ dễ dàng, chặt chẽ hơn trong qua công tác quản lý nhà nước, sẽ ngăn chặn được tình trạng trục lợi đất đai diễn biến phức tạp.

Đại biểu cho rằng thời gian cũng chính là một nguồn lực hết sức là quý giá. Vì vậy, đồng thời với việc chúng ta triển khai thực hiện các dự án, đại biểu đề xuất chúng ta cần chú trọng đến việc chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp với chính quyền địa phương để chủ động khảo sát, phóng tuyến, cắm mốc lộ giới cho các tuyến đường mà hiện nay chúng ta chưa thực hiện trong thời điểm này. Công tác giải phóng mặt bằng, phóng tuyến, cắm mốc chúng ta nên chủ động làm sớm, càng sớm chừng nào thì hiệu quả trong công tác đầu tư và việc giảm thiểu những rủi ro cũng như giảm đi những hệ lụy trong công tác đền bù, giải tỏa càng tốt chừng đó.

Đại biểu nêu rõ, nếu làm đồng bộ cả 03 nội dung vừa là tính toán nguồn vốn từ nguồn đầu tư công, có phương án chuyển giao phù hợp để thu hồi vốn và kết hợp với việc giải phóng mặt bằng tốt thì chúng ta sẽ sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, một dự án trọng điểm quốc gia./.

Hồ Hương