PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN: TIN TƯỞNG NỀN KINH TẾ SỚM PHỤC HỒI SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

15/06/2020

Phát biểu kết thúc sau 2 ngày Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự tin tưởng nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Kết thúc nội dung thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, chiều ngày 15/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã phát biểu tóm lược một số nội dung của Phiên thảo luận.

Theo đó, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường đã có 82 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 16 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia phát biểu giải trình, cung cấp thêm thông tin cho một số vấn đề có liên quan. Do thời gian có hạn còn 10 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu nên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các vị đại biểu gửi ý kiến chuẩn bị về Ban Thư ký của Quốc hội để tổng hợp.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Hội trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Không khí thảo luận, tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực, vấn đề, vụ việc được cử tri và nhân dân quan tâm đặc biệt là những ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội nước ta.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết về các nội dung khác, cụ thể: 

Một là về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019. Các đại biểu đều đánh giá rằng, năm 2019 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng là năm thành công khá toàn diện trên mọi lĩnh vực mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu đánh giá, bổ sung đều cao hơn số đã báo cáo Quốc hội nhất là về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tinh giản biên chế, phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt kết quả tích cực. Quốc phòng an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm có những chuyển biến tích cực. Đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của nhân dân, an sinh xã hội tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế và phân tích sâu sắc thêm, đồng thời mong muốn Chính phủ có những giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới như vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tê, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chất lượng, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án đầu tư công còn chậm. Một số vấn đề về xã hội, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, an ninh trật tự cần được tăng cường hơn nữa. Các đại biểu đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Hai là về kết quả thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2020. Ngay từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng kinh tế, tài chính giai đoạn 2008-2009, thậm chí còn nặng nề hơn cuộc đại suy thoái năm 1929, năm 1930.

Trong 6 tháng qua, cả nước đã căng mình ra chống dịch, đồng thời do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động ảnh hưởng nghiêm trọng do gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại dẫn đến đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã tác động trực tiếp đến các ngành như xuất khẩu, nhập khẩu hàng không, du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, lao động, việc làm. Nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô và GDP quý I năm 2020 chỉ đạt là 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây, ảnh hưởng mạnh đến đời sống nhân dân. Mặc dù khó khăn, thử thách diễn ra rất lớn, phức tạp, rất nhanh và chưa từng thấy. Song đất nước ta mới bước đầu vượt qua những khó khăn, thách thức đó một cách vững vàng, kiên cường và hiệu quả. Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao công tác phòng, chống đại dịch, giữ ổn định kinh tế - xã hội như thời gian vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Kết quả đạt được là do sự đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân trước lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo kịp thời, chủ động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội. Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp, nhiều sự hy sinh thầm lặng, vượt khó của đội ngũ cán bộ y tế, quân đội, công an, nhà báo, các tập thể, cá nhân, nhất là trên tuyến đầu chống dịch được trân trọng và vinh danh. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tỷ lệ người mắc trên quy mô dân số rất thấp, chưa có trường hợp tử vong do dịch bệnh. Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch như là Chính phủ đã khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng. Nhờ đó mà các hoạt động kinh tế - xã hội để khôi phục tình hình kinh tế - xã hội đang có xu hướng chuyển biến tích cực. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao, nâng cao vai trò, khẳng định vị thế và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, càng khẳng định tính ưu việt của chế độ ta. Có thể nói, đây là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản trị quốc gia trong những khó khăn, thách thức, sự yêu cầu đổi mới về tư duy về phát triển kinh tế, việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.

Về yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tăng cường quản lý tài sản công và tài chính công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2020 của Chính phủ và cho rằng, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời nhanh chóng khởi động, phục hồi lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.


Phiên họp toàn thể tại Hội trường ngày 15/6.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ đảm bảo khả thi, đúng đối tượng, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân cố tình làm trái và trục lợi chính sách. Một số ý kiến quan tâm đến việc thay đổi kế hoạch dạy học, khung thời gian năm học, việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, việc thu học phí, phụ phí trong thời gian học sinh nghỉ dịch và học trực tuyến. Vấn đề biên soạn sách giáo khoa, phát triển nguồn nhân lực và làm việc của học sinh và sinh viên mới ra trường.

Các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các dân tộc, công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Có ý kiến đề nghị cần có các giải pháp để phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Nghiên cứu đề xuất các chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Nhiều đại biểu quan tâm về vấn đề phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại ngành chăn nuôi, tổ chức tái đàn lợn, khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng, kiến nghị tăng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho phù hợp với tình hình thực tế. Các ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục các giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong ngắn hạn và sớm có kế hoạch bài bản, dài hạn, tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn như đã báo cáo trước Quốc hội.

Nhiều ý kiến quan tâm, phân tích sâu sắc về vấn đề an ninh nguồn nước, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã gây ra hạn hán, sạt lở, lũ quét, mưa đá, giông lốc ở nhiều tỉnh, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng tới trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và đời sống của người dân. Về vấn đề này, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung để đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi, hỗ trợ phát triển bền vững, toàn diện và mang tính lâu dài. Một số ý kiến quan tâm đến các vấn đề quản lý, điều tiết điện lực, việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, nhất là cần quy hoạch phát triển năng lượng mới, tái tạo, vấn đề xuất khẩu các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, trong đó có vấn đề xuất khẩu gạo.

Ba là, về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với phương hướng và các giải pháp điều hành của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2020 và cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định khó lường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với bất ổn từ bên ngoài. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội về sinh kế, về việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo và người yếu thế. Tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, tận dụng thời cơ có các giải pháp phù hợp với tình hình và xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Một số ý kiến đề nghị đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phục hồi, phát triển ngành du lịch nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử truyền thống và sự ổn định xã hội sau đại dịch.

Về các kiến nghị, giải pháp cụ thể của Chính phủ, nhiều đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị đưa các nội dung vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

Một là, chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo các Nghị quyết của Quốc hội. Nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Hai là, Chính phủ cần chủ động điều hành trên nguyên tắc của Luật Ngân sách nhà nước, giảm thu đồng thời với giảm chi tương ứng. Trước hết phải tăng cường tiết kiệm chi, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Đối với các khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn tiền sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác. Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các nguồn mà còn khó khăn đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Ba là cho phép kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Bốn là chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi cho người có công từ 01/7/2020 nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị là nên điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công.

Đối với các kiến nghị như về dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, về chương trình mục tiêu đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Về ưu đãi thuế để thu hút đầu tư. Về nội dung liên quan đến Luật Xây dựng đã được Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp này khi thông qua các luật và nghị quyết. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Một số ý kiến đề nghị xử lý nghiêm, kịp thời các vấn đề gây bức xúc xã hội, giữ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của nhân dân. Có ý kiến đề nghị công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Chính phủ trình đã bảo đảm các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn. Các đại biểu đều đánh giá cao và thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước, cũng như nhiều vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Các đại biểu cho rằng, mặc dù quản lý ngân sách nhà nước năm 2018 đã có nhiều tiến bộ, song cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai. Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Việc chấp hành kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, một số khoản chi quan trọng tiếp tục không đạt dự toán. Tình trạng chi sai định mức tiêu chuẩn, chế độ vẫn xảy ra. Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, nợ đọng, giải ngân chậm, ứng trước chuyển nguồn lớn và hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế. Các đại biểu yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý tài sản công và tài chính công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Sau 2 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước đã thành công, thu được nhiều ý kiến quý báu. Với sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội, chúng ta tin tưởng rằng sự lãnh đạo của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự ủng hộ, ý thức chấp hành, chia sẻ của mọi tầng lớp nhân dân, tinh thần nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19, hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tạo tiền đề để phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận đã được Ban Thư ký tổng hợp và phản ánh đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, hoàn thiện các nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh