AIPACODD 3: BIẾN LỜI NÓI THÀNH HÀNH ĐỘNG HƯỚNG TỚI MỘT CỘNG ĐỒNG ASEAN KHÔNG MA TÚY

29/06/2020

Thảo luận tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) vừa qua, các đại biểu đã khẳng định lại quan điểm, lập trường nhất quán của ASEAN không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy đồng thời thống nhất cao về vai trò thiết yếu của cơ quan lập pháp và cơ chế hợp tác trong khu vực trong công cuộc ứng phó với ma túy.

Với chủ đề “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy”, Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) là dịp để các nghị viện thành viên AIPA rà soát, đánh giá và thúc đẩy việc thực hiện những cam kết thể hiện trong các nghị quyết đã thông qua, đặc biệt đây cũng là dịp để các quốc gia chia sẻ các kinh nghiệm ứng phó với ma tuý trong bối cảnh chịu sự tác động của đại dịch COVID-19.

Là hoạt động quan trọng trong năm Chủ tịch AIPA 2020 của Việt Nam, Hội nghị AIPACODD 3 thể hiện trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam góp phần hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở trong nước cũng như khu vực. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ AIPA.

ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung về ASEAN không có ma túy vào năm 2020 (AMM 31, tháng 7/1998 tại Manila, Philippines), theo đó năm 2020 là thời điểm đánh giá lại việc thực hiện cam kết xóa bỏ tình trạng sản xuất, chế biến, buôn bán và sử dụng ma túy bất hợp pháp ở Đông Nam Á và đưa ra những cam kết, mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì, điều hành Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3)

Ma túy đang là thách thức ở khu vực và ngày càng phức tạp

Thế giới đang đối mặt với sự xuất hiện các chất hướng thần mới, sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng đáng báo động tại khu vực Tam giác vàng. Tình hình mua bán, vận chuyển và lạm dụng các chất hướng thần mới ngày càng tinh vi là thách thức lớn đối với nhiều nước. Trong khi đó, hầu hết các nước còn bị động đối phó từ khâu hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác giám định và điều trị.

Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2019. Theo số liệu thống kê của Văn phòng Liên hợp quốc  về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC), có ít nhất khoảng 250 triệu người, tương đương 5% dân số thế giới đang sử dụng ma túy. Khu vực Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và hơn 5 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp. Ngoài ra, công tác cai nghiện ma túy cũng hết sức quan trọng, điều trị nghiện ma túy ở khu vực và các quốc gia đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, đồng bộ và thường xuyên hơn ở các quốc gia.

Theo đại diện Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương Inshik Sim, các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng liên tục các vụ thu giữ Methamphetamine trong thập kỷ qua, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, các quốc gia trong khu vực xác nhận lượng ma túy bị thu giữ lên đến 115 tấn trong năm 2019. Vấn đề ma túy ở Đông Nam Á hiện nay đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và đã trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra những hệ lụy về sức khỏe, quyền con người, an ninh và kinh tế đối với các quốc gia có liên quan.

Đại diện UNODC khuyến nghị, để vượt qua khủng hoảng này, cần cấp thiết xây dựng các chính sách về ma túy mang tính cân bằng hơn, trong đó, y tế công cộng và sức khỏe về mặt xã hội đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực cải cách chính sách.

AIPACODD 3 là lần đầu tiên một hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ AIPA

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng những thách thức vốn có trong phòng, chống ma túy ngày càng biến tướng, trở nên phức tạp, gây khó khăn cho nỗ lực kiểm soát ma tuý của cộng đồng quốc tế. Đó là tình trạng gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới và các tiền chất ma túy. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp. Một số nước hợp pháp hóa sản xuất, sử dụng một số chất ma túy. Khu vực Đông Nam Á đã trở thành thị trường và một trong những nơi sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, do tác động của dịch COVID-19 khiến tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý thêm phức tạp, ảnh hưởng lớn tới công tác phòng, chống ma tuý tại các quốc gia và trong khu vực.

ASEAN không khoan nhượng với ma túy

Các đại biểu đều thống nhất khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của ASEAN trên trường quốc tế về vấn đề ma túy toàn cầu: đó là, không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy; khẳng định vai trò trụ cột của Ủy ban ma túy Liên hợp quốc và 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy; cam kết phối hợp giải quyết vấn đề ma túy của khu vực và thế giới thông qua các giải pháp lồng ghép, cân bằng và toàn diện và kiên định lộ trình hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy.

Các đại biểu đều thống nhất cao về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động trong Kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN phòng, chống ma túy giai đoạn 2016-2025 đã được các Bộ trưởng ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD) lần thứ 5 vào ngày 20/10/2016 tại Singapore. Đồng thời cần tiếp tục tăng cường nhận thức về tệ nạn ma túy và tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường ma túy để từ đó có những điều chỉnh các chương trình, kế hoạch ứng phó ma túy phù hợp, thích ứng với tình hình mới. Nhấn mạnh vai trò của thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, thông qua chia sẻ thông tin, hợp tác qua biên giới, duy trì và mở rộng các dự án/chương trình, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực nhằm đối phó với vấn đề ma túy thế giới và khu vực một cách hiệu quả hơn, đặc biệt trong thời kỳ hậu dịch COVID-19.

Tăng cường gắn kết giữa Hội nghị Hội đồng tư vấn Liên minh nghị viện các quốc gia Đông Nam Á về ma túy lần thứ 3 (AIPACODD) với các cơ chế hợp tác khu vực hiện có về kiểm soát ma túy, như: Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD), Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong trình bày báo cáo quốc gia Việt Nam tại Hội nghị

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho biết để chủ động ứng phó với những thách thức đặt ra trong bối cảnh dại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện các giải pháp: (i) Đảm bảo việc khám và cấp phát thuốc Methadone đối với người điểu trị nghiện các chất dạng thuốc phiện trong thời gian phòng chống dịch bệnh; (ii) Tuyên truyền, hướng dẫn toàn thể cán bộ, học viên tại các cơ sở cai nghiện thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh, giãn cách, phòng chống dịch theo quy định; (iii) Tăng cường kiểm soát ma túy tại các khu vực nhạy cảm như đường biên giới, đường biển, đường bộ v.v…

Phía Việt Nam cũng cho rằng, trong giai đoạn tới, các quốc gia cần tăng cường nhận thức về tệ nạn ma túy và tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường ma túy để từ đó có những điều chỉnh các chương trình, kế hoạch ứng phó ma túy phù hợp, thích ứng với tình hình mới. Theo đó: i) kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại; ii) lấy con người làm trung tâm, có chính sách phù hợp để quan tâm đối tượng đích giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống sau đại dịch Covid-19, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần ổn định trật tự xã hội; iii) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kiểm soát ma túy, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng những biến động có thể xảy ra; iv) đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh thì vẫn phải quan tâm bố trí nguồn lực cho phòng, chống ma túy.

Nỗ lực hơn nữa trong phối hợp giữa các quốc gia

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chia sẻ, do tác động của đại dịch COVID-19 nên Hội nghị AIPACODD lần thứ 3 đã phải thay đổi sang hình thức họp trực tuyến và mặc dù có khó khăn về mặt kỹ thuật nhưng Hội nghị cũng đã diễn ra suôn sẻ, hoàn thành chương trình một cách tốt đẹp.

Nêu rõ năm 2020, tất cả các Nghị viện thành viên ASEAN phải rà soát, đánh giá lại các hoạt động và việc thực hiện cam kết trong Tuyên bố chung về một ASEAN không có ma túy, Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng các biện pháp phòng chống và kiểm soát đại dịch Covid-19 của các quốc gia đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến việc cung cấp, buôn bán ma túy nhất là về sản xuất, vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ và những thách thức mới đã tăng lên trong cuộc chiến chống lại các loại thuốc nguy hiểm. Điều này sẽ đòi hỏi những nỗ lực phối hợp hơn nữa từ các quốc gia, các bên liên quan, các tổ chức và tăng cường cơ chế hợp tác hiệu quả ở tất cả các cấp, bao gồm giữa các cơ quan lập pháp để tăng cường hơn nữa hợp tác lẫn nhau và cũng thích ứng với tình hình mới. Nhấn mạnh, thực tế đã cho thấy không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng đây cũng chính là thông điệp về sự hợp tác liên tục và mở rộng, đây là chìa khóa cho những vấn đề được đề cập tại Hội nghị.

Về kết quả của Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hai tài liệu kết quả quan trọng đã được thông qua tại Hội nghị là Nghị quyết "Biến lời nói thành hành động vì ASEAN không có ma túy" và Báo cáo của Hội nghị đã thể hiện sự đồng thuận cao, quyết tâm của các Nghị viện thành viên AIPA; và cho rằng toàn thể cộng đồng và xã hội cùng hợp tác để đạt được mục tiêu biến ASEAN thành một Cộng đồng không có ma túy.

Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết thúc Hội nghị

Ghi nhận các ý kiến đóng góp từ các báo cáo và trao đổi tại Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng điều này thể hiện sự tương đồng trong cách tiếp cận và quan điểm giữa các nước Nghị viện thành viên AIPA cũng như phù hợp với chủ đề “Hiểu rõ hơn và chăm sóc tốt hơn” của Ngày quốc tế phòng chống ma túy năm 2020 của Liên hợp quốc; đồng thời các quốc gia cũng trao đổi học hỏi được nhiều phương pháp, cách tiếp cận dựa vào cộng đồng, lồng ghép các nỗ lực phòng chống  ma túy với các vấn đề xã hội khác, hướng đến thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh