GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CÓ NÊN THÀNH LẬP ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP LÀM NHIỆM VỤ ĐƯA NGƯỜI VIỆT NAM ĐI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI?

08/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Một trong những nội dung được đa số đại biểu quan tâm thảo luận là quy định về thành lập đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội. Đồng thời nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây.

Mặt khác, sửa đổi nhằm điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Dự thảo gồm 8 chương và 79 Điều: Giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 8 điều, bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của Luật hiện hành. Một trong những nội dung nhận được nhiều quan điểm trái chiều từ các đại biểu Quốc hội là quy định về thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, hiện nay chúng ta tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước là 10% của đơn vị sự nghiệp công lập cho đến năm 2025, nếu thành lập mới sẽ phát sinh bộ máy không phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công. Đại biểu chia sẻ kinh nghiệm ở Đồng Tháp không có đơn vị sự nghiệp công lập mà trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ có trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh, vẫn tuyển dụng được lao động tăng đều hàng năm và hoạt động hiệu quả. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc có nên thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hay không? Hay cách làm giống như ở Đồng Tháp.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc bổ sung thêm đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động và giải trình một cách cụ thể. Theo đại biểu, cần làm rõ hơn sự cần thiết phải bổ sung đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần đánh giá tính hợp pháp, hiệu quả mang lại của đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ này. Đối với các đơn vị sự nghiệp hiện nay đã thành lập đều thành lập theo các căn cứ pháp luật, đã được quy định tại các luật cụ thể, căn cứ quy định cả chức năng, nhiệm vụ cũng như việc tổ chức thành lập. Đại biểu nêu dẫn chứng: ví dụ như Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập và thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Việc làm, đơn vị sự nghiệp sẽ sử dụng kinh phí để thực hiện đưa người lao động đi lao động ở nước ngoài như thế nào, vì đây được xác định là hoạt động phi lợi nhuận.

 Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Hiện nay có khoảng gần 600.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài, tại khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 30 ngành nghề khác nhau, từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật và chuyên môn cao, thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số người lao động đi làm việc hợp pháp theo các hình thức khác thì không nhiều. Do vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc có nhất thiết phải bổ sung thêm đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không, trong khi doanh nghiệp có thể làm được để phù hợp với chủ trương của Trung ương và các quy định pháp luật về việc đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, nhất là các lĩnh vực khu vực ngoài công lập làm được.

Không cùng quan điểm, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh lại tán thành với việc bổ sung tại Điều 5 và Điều 43 về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa người lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnhThái Bình

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnhThái Bình cho rằng, trong luật hiện hành đã quy định về việc này. Tuy nhiên, luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở các cơ quan sự nghiệp của các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan Chính phủ. Ở luật sửa đổi lần này mở rộng ra là các cơ quan sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Đây cũng là tạo điều kiện rất thuận lợi cho những trường nghề như chúng tôi ở các tỉnh. Bởi vì, thực tế hiện nay các trường nghề đang đào tạo một lực lượng lao động trực tiếp, sau khi ra trường thì được đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu nêu dẫn chứng, ví dụ, như các thị trường điều dưỡng. Như trường tôi đã làm 5 năm nay rồi. Việc cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được phép đưa người Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho học sinh viên ra trường, bởi vì đây là hoạt động phi lợi nhuận.

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tới đây./.

 

Lê Anh