ĐBQH NGUYỄN THANH HỒNG GÓP Ý VỀ VIỆC BỔ SUNG VỐN ĐIỀU LỆ CHO NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM

10/07/2020

Tại Kỳ họp 9 Quốc hội XIV, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã tham gia đóng góp ý kiến về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng bảy tỏ ủng hộ với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng phân tích một số vấn đề cụ thể như sau:

Theo đại biểu, tại Nghị quyết 25 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia quy định rất rõ không được sử dụng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng, thương mại, tức là các ngân hàng phải tự tạo ra nguồn vốn để bổ sung vốn điều lệ. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ rất quyết liệt trong việc tìm ra các giải pháp để các ngân hàng tăng vốn điều lệ, nhưng có lẽ việc tính toán chưa dự báo được hết khả năng. Ví dụ như việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp ngân hàng thì không làm được, thậm chí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng đang bế tắc, không tháo gỡ được, trong đó có vấn đề về đất đai.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, Ngân hàng Nông nghiệp không cổ phần hóa được một phần cũng liên quan đến việc giải quyết tài sản, đất đai. Chính vì thế, cách làm và cách điều hành chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, từ việc đang điều hành một cách bình thường bây giờ đưa việc tăng vốn điều lệ cho Agribank thành một nhiệm vụ cấp bách. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank có phải nhiệm vụ cấp bách không ?

Về vấn đề thứ nhất, đại biểu cho biết, năm 2019 Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng khác nữa. Vấn đề tăng vốn điều lệ là một vấn đề trong chỉ đạo, trong điều hành của chúng ta không hoàn thành yêu cầu. Trách nhiệm của Ngân hàng Nông nghiệp trong việc chủ động để đảm bảo vốn điều lệ, tăng vốn điều lệ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này như thế nào ?

Về vấn đề thứ hai, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng cần phải cân nhắc về mức vốn và nguồn vốn. Theo như Báo cáo thẩm tra đồng ý tăng vốn điều lệ, nhưng không quá 3.500 tỷ. Đại biểu đặt vấn đề, tại sao không quyết định nâng mức tối đa mà lại khống chế trong khoản thu thực nộp vào ngân sách của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, cấp thì cấp luôn một lần. 

Về vấn đề thứ ba, về hình thức, đại biểu đề nghị nên ban hành một nghị quyết riêng, không nên ban hành nghị quyết Kỳ họp và còn liên quan đến trách nhiệm, việc giám sát, việc thực thi, kiểm tra, đôn đốc. Ngân sách nhà nước phải được bảo toàn, kinh doanh phải có lãi. Không có giám sát, không có kiểm tra, không nêu rõ trách nhiệm nên phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện tăng vốn điều lệ này.

Liên quan đến cổ phần hóa, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng đề nghị Chính phủ cần phải xác định rõ lộ trình, yêu cầu để cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà nước có giữ 100% cổ phần nữa hay không, đến thời điểm nào thì phải cổ phần hóa./.

Minh Thành