ĐỀ NGHỊ RÀ SOÁT VÀ BỔ SUNG CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN, GIẢM CẤP PHÉP XÂY DỰNG

10/07/2020

Để giảm tải dự án treo, xây dựng công trình không đúng tiêu chuẩn và rút gọn thời gian cho người dân có công trình, giảm tải cho các cơ quan nhà nước khi tiến hành cấp phép xây dựng, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát và bổ sung thêm các trường hợp xây dựng công trình thuộc đối tượng miễn, giảm cấp phép xây dựng.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chính thức biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với tỷ lệ 92,96% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự án Luật. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án Luật đang trình Quốc hội.


Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng.

Về quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai (sửa đổi Điều 34 và Điều 94): Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát tính đồng bộ của các luật để đảm bảo quy hoạch xây dựng thống nhất với các loại quy hoạch khác; bổ sung quy hoạch quốc gia, xem lại quy hoạch xây dựng vùng cho phù hợp với Luật Quy hoạch.

Các nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng hiện hành đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch; đã làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành; đồng thời, đã quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc liên quan tới việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu của khu chức năng. Do đó, quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng được sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp hạn chế quy hoạch “treo”; cần cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong các khu đất có quy hoạch chậm triển khai để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, về quy hoạch chậm triển khai thực hiện, pháp luật về quy hoạch xây dựng đã có quy định về rà soát quy hoạch để kịp thời xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển (Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị và Điều 15 Luật Xây dựng). Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định về việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ có thời hạn trong vùng quy hoạch. Trên thực tế có nhiều quy hoạch triển khai quá chậm trễ, kéo dài so với quy định đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai tại Điều 94 như dự thảo Luật.

Về giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Chương V): Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn. Đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước. Theo đó, dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa (điểm i khoản 2 Điều 89).

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quản lý nghiêm trật tự xây dựng. Quản lý trật tự xây dựng là một trong những vấn đề được xã hội hết sức quan tâm và có quan hệ trực tiếp với hoạt động cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ gắn liền với pháp luật về xây dựng mà còn liên quan đến pháp luật về đất đai, quy hoạch, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức chính quyền địa phương... Về cơ bản, Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định liên quan đến bảo đảm trật tự xây dựng. Một số hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng thời gian vừa qua chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm, thiếu kịp thời. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng không nên quy định lại những nội dung về quản lý trật tự xây dựng tại Chương V dự thảo Luật. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung, làm rõ trách nhiệm UBND cấp tỉnh, huyện về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ (điểm a khoản 1 Điều 164, Chương IX).

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng là vấn đề cấp phép xây dựng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm: Hoạt động xin cấp phép xây dựng là một trong những hoạt động diễn ra hằng ngày tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, tình trạng cấp phép xây dựng thường xuyên có vi phạm, chậm trễ về thời gian khiến nhiều tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vi phạm trong cấp phép xây dựng là quy trình cấp phép xây dựng hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Quy trình cấp phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật nhưng theo Luật Xây dựng hiện nay lại tách thành 3 quy trình: quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng. Trong đó, Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng có thẩm quyền rất rộng trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng, quản lý năng lực hoạt động xây dựng an toàn...


Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm.

Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành thì tất cả các công trình cấp 1 từ 25 tầng hoặc trên 75m trong toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, 2 lượt thẩm định. Điều bất cập là sau khi đã được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng địa phương để xin cấp phép xây dựng. Trên thực tế, chủ đầu tư dự án còn phải trực tiếp thực hiện thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy tại Cục Phòng cháy, chữa cháy của Bộ Công an hoặc Phòng phòng cháy, chữa cháy của công an tỉnh, thành phố và thẩm định duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến của Bộ Quốc phòng. Trong khi Luật Xây dựng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng phải chủ động trao đổi thông tin với các cơ quan nhà nước có liên quan. Đây là điều bất hợp lý cần phải được xem xét giải quyết, bổ sung, sửa đổi luật lần này. Việc đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy trình cấp phép theo hướng tinh giản về thủ tục, thời gian, quy định trách nhiệm thẩm định về cho một cơ quan là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện, chỉ trong một số trường hợp nhất định phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, cần rà soát lại, bổ sung thêm các đối tượng miễn cấp phép xây dựng. Điều 89 Luật Xây dựng hiện nay quy định các đối tượng cấp phép xây dựng, trong đó khoản 2 Điều 89 quy định các công trình được miễn cấp phép xây dựng. Theo đó, hiện nay luật có 11 nhóm công trình được miễn cấp phép xây dựng. Việc quy định miễn cấp phép xây dựng cho một số công trình là hết sức cần thiết, điều này sẽ làm giảm thời gian chờ cấp phép, tiến hành sửa chữa và xây dựng kịp thời. Tuy nhiên, các trường hợp miễn cấp phép hiện nay chưa thật sự phù hợp, hiện vẫn còn một số công trình không cần thiết phải xin giấy phép nhưng luật đang bắt buộc phải xin giấy phép. Chẳng hạn như các công trình sửa chữa, cải tạo các công trình xuống cấp mà không làm thay đổi kết cấu, thiết kế của công trình, lắp đặt bên trong công trình, không gây tác hại chịu tác động lực và không ảnh hưởng những nhà xung quanh mà vẫn phải xin giấy phép xây dựng. Vì vậy, đề nghị rà soát và bổ sung thêm các trường hợp xây dựng công trình thuộc đối tượng miễn, giảm cấp phép xây dựng, điều này sẽ góp phần rút gọn thời gian cho các cá nhân có công trình, giảm tải cho các cơ quan nhà nước khi tiến hành cấp phép xây dựng.

Các nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng hiện hành cần được chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, sửa đổi luật để bổ sung Điều 37 luật có liên quan đến quy hoạch để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch, làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành. Đồng thời quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Đề nghị cần có giải pháp hạn chế quy hoạch treo, cần cấp phép xây dựng có thời hạn trong các khu đất có quy hoạch chậm triển khai để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và thống nhất sửa đổi, bổ sung quy định về cấp phép xây dựng có thời hạn nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai tại Điều 94 của dự thảo luật.

Về phân loại và cấp phép xây dựng công trình, dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất loại bỏ một số tiêu chí phân cấp đã được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, các tiêu chí về thời hạn sử dụng vật liệu xây dựng và yêu cầu kỹ thuật cấp công trình được xác định cho từng loại công trình để phục vụ quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng gồm cấp đặc biệt, cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cấp 4. Cấp công trình để xây dựng các nội dung khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Về thủ tục thẩm định vẫn còn phức tạp, kéo dài, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị liên thông đồng bộ để làm sao đảm bảo việc thẩm định liên thông có trách nhiệm cụ thể vào hoạt động cho tốt.


Đại biểu Trần Tất Thế - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam góp ý kiến.

Đại biểu Trần Tất Thế - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề cập điều kiện cấp phép xây dựng quy định tại Điều 69. Hiện nay, Luật Quy hoạch đô thị đã quy hoạch đô thị chi tiết 1/500, thực tế ở một số tỉnh, thành phố, việc lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 chủ yếu thực hiện trong các dự án phát triển đô thị, các dự án phát triển nhà ở do đó chủ đầu tư cần thực hiện. Còn lại trong các dự án hiện hữu hoặc chỉnh trang, cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức lập, phê duyệt sang các đồ án quy hoạch khung, quy hoạch chi tiết 1/2000 để quản lý. Việc xây dựng chậm do nhiều nguyên nhân, do nguồn vốn ngân sách không đủ năng lực, các đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch hạn chế và ngay cả việc lấy ý kiến của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Nếu quy định việc cấp phép xây dựng phải phù hợp với chi tiết là không khả thi, do đó đề nghị điều chỉnh khoản 1 là phù hợp với quy hoạch xây dựng, các quy chế quản lý, các quy định về kiến trúc cho từng khu vực cụ thể, các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về điều kiện cấp phép xây dựng quy định tại Điều 70, đối với công trình xây dựng tạm, dự luật quy định hết thời hạn trong giấy phép chủ nhà phải tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Quy định như vậy là không công bằng cho người dân trong khu bị quy hoạch, vì thực tế rất nhiều trường hợp Nhà nước thực hiện quy hoạch không đúng với thời hạn, nếu dự luật tiếp tục trói quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch là vô lý. Đại biểu Trần Thế Nam đề nghị sửa lại Điều 5 khoản 5 là “chủ đầu tư cần cam kết tháo dỡ không phải bồi thường công trình khi Nhà nước thu hồi đất hoặc thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định cấp giấy phép xây dựng tạm. Nếu sau thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm Nhà nước thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành” để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch đã công bố chưa thực hiện. Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi quá thời hạn công bố thực hiện quy hoạch mà Nhà nước có quyết định thu hồi đất triển khai thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, để cho phép xây dựng công trình, Điều 87 dự thảo luật quy định “công trình hoàn thành phải được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng”. Đại biểu Trần Tất Thế cho rằng, quy định này là một bước lùi trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, vì trước đây đã có quy định của các cơ quan nhà nước cấp phép hoàn công các công trình chưa đưa vào sử dụng không đem lại hiệu quả trong vấn đề quản lý xây dựng. Vì vậy, thủ tục trên đã được thay bằng biên bản hoàn công do chủ đầu tư chịu trách nhiệm, nay là Nhà nước cấp phép sử dụng xây dựng công trình gần như khôi phục hoàn công sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho người dân, dễ phát sinh tiêu cực, dễ làm gia tăng tình trạng xây dựng trái phép.


Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước.

Đề cập việc cấp phép xây dựng công trình, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trong dự thảo luật; sửa đổi, bổ sung thành phần hồ sơ gồm có bản sao Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp dự án phải có giấy chứng nhận đầu tư, bản sao Báo cáo đánh giá tác động môi trường và quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vì Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ và quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng là căn cứ để cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng. Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có sử dụng nhiều cụm từ "là công trình có quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng". Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể về đối tượng công trình, như thế nào là công trình có quy mô lớn. Từ đó dẫn tới việc không thể xác định được công trình nào là công trình có quy mô lớn để triển khai việc thực hiện.

Kết luận về vấn đề cấp phép xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về thủ tục cấp phép xây dựng, quản lý cấp phép xây dựng, việc cấp phép xây dựng phải giảm tải thủ tục, phù hợp với quy hoạch nhằm hạn chế dự án treo, xây dựng không đúng quy chuẩn. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất rà soát và bổ sung thêm các trường hợp xây dựng công trình thuộc đối tượng miễn, giảm cấp phép xây dựng. Tất cả những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp, xem xét kỹ lưỡng./.

Bích Lan