ĐBQH LÊ THỊ THANH XUÂN: GIÁO DỤC TRẺ KỸ NĂNG BIẾT TỰ BẢO VỆ MÌNH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

21/07/2020

Với sự phát triển của công nghệ số, trẻ em là đối tượng chịu nhiều rủi ro khi tiếp cận với không gian mạng. Trước thực trạng này, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mạng ảo, nguy cơ thật

Tối ngày 9/6/2020 một vụ án mạng gây trấn động dư luận xảy ra tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nạn nhân là cháu Hồ Trần Văn Đô (5 tuổi) bị tử vong tại căn nhà hoang trong tình trạng hai tay bị trói, miệng bị bịt kín. Hung thủ vụ án là Đào Ngọc Hoàng học sinh lớp 11 Trường THPT Quỳnh Lưu 4.

Hoàng khai nhận do thường chơi game trên mạng, nên đã bắt chước, bắt nhốt bé Đô mang lên rừng giấu với suy nghĩ sau đó vào vai thám tử tìm kiếm, giải cứu bé để lập công. Tuy nhiên, sau khi gia đình phát hiện Đô bị mất tích, thấy chính quyền, cơ quan công an vào cuộc tìm kiếm nên Hoàng sợ, không dám đến đưa bé về. Sau khi bị triệu tập, nghi phạm này mới khai nơi nhốt bé.

Năm 2018, một vụ án mạng khác cũng liên quan đến vấn nạn “nghiện game” xảy ra tại Thái Nguyên: Do không có tiền chơi game, 2 học sinh tuổi quàng khăn đỏ là M và Q (13 tuổi) đã ra tay sát hại người bà họ hàng một cách dã man với mục đích  cướp tiền để chơi game.

Ngoài ra, đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra với chính người trong cuộc nghiện game. Không ít trường hợp trẻ suy nhược cơ thể vì chơi game kéo dài, liên tục.

GS.TS Bùi Quang Huy: Nhiều trẻ bị trầm cảm, rối loạn thần kinh do nghiện game

GS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 chia sẻ, hàng năm Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp đang ở lứa tuổi học đường mắc chứng trầm cảm, rối loạn thần kinh do nghiện game. “Khi trẻ nghiện game, trẻ chơi liên tục bất kể giờ giấc nên cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng. Trẻ không còn hứng thú học tập và giảm đi hoạt động thể chất bình thường. Nhân cách trẻ cũng bị biến đổi, hỗn láo, thậm chí có cả hành vi bạo lực như đánh lại bố mẹ nếu bị ngăn cấm chơi game”, GS.TS Bùi Quang Huy nói.

Khi giới trẻ dành nhiều thời gian trên không gian mạng, ngoài nghiện game thì các vụ xâm hại khác như tiếp cận với quá nhiều thông tin giả, dễ bị dụ dỗ, dễ bị bắt nạt và có nguy cơ bị gã gẫm về tình dục cũng đang là vấn đề đáng báo động hiện nay. Điểm chung của các vụ xâm hại trẻ em qua mạng là những kẻ phạm tội tiếp cận trẻ em qua các trang web khiêu dâm, facebook, cửa sổ chat.

Ông Đặng Hoa Nam: Nhiều sản phẩm truyền thông mang tính bạo lực

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng hiện trên không gian mạng có nhiều sản phẩm truyền thông mang tính bạo lực, tính tình dục, rồi các câu chuyện mô tả quá chi tiết về các vụ án, nó không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nguy cơ rủi ro đối với trẻ ngày càng gia tăng bởi sự phát triển của mạng xã hội. Các em có thể tiếp cận các thông tin quá dễ, trong khi sự giới hạn, sự quản lý các thông tin ngày càng khó khăn hơn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, cũng như cha mẹ…”    

Theo Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em: Hơn 66% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các thiết bị kết nối internet, trong đó, hơn 43% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng trong ngày. Năm 2018, Việt Nam có đến hơn 700.000 vụ báo cáo về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới. Từ 3,1 triệu người dùng năm 2003, tính đến tháng 6/2019 có gần 65 triệu người sử dụng internet, trong đó hơn 1/3 số người sử dụng internet là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 - 24. Trong khi đa số người dùng là trẻ em đều thiếu kiến thức về công nghệ số thì mỗi ngày vẫn có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết về bạo lực, xâm hại tình dục. 1/3 trẻ từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái là nạn nhân cao gấp 03 lần số trẻ em trai.  

Trẻ em trên môi trường mạng“nóng” nghị trường Quốc hội

Trong phiên thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu nhận định ngày càng có nhiều trẻ em đối diện với nguy cơ xâm hại cao từ mạng xã hội. Và nêu rõ, với sự phát triển của công nghệ, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh: Các mạng xã hội hiện nay vẫn còn tràn ngập các video clip của những đối tượng bất hảo mà xã hội đã lên án, các kênh Youtube tự dựng, phỏng vấn với những hình ảnh nội dung dung tục, phát hành tràn lan, vô tội vạ với hàng triệu lượt người xem, trong đó không tránh khỏi đối tượng là trẻ em và thực tế không ít các em học lấy làm theo những clip này. Trong khi các hành vi trên bị nghiêm cấm ở đời sống thực thì trên không gian mạng, nó vẫn tiếp tục ngang nhiên hoành hành, thách thức hành lang pháp lý an ninh mạng.

Nhiều đại biểu có chung quan điểm: Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ngoài xã hội. Bởi, nếu các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ vài người chứng kiến thì xâm hại đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cả đời và là nỗi đau dai dẳng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy: Tội phạm mạng vô cùng nguy hiểm

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nêu ví dụ vụ án xảy ra ở Đà Nẵng, với thủ đoạn đăng tin cần tuyển lao động có mức lương cao trên mạng xã hội, 5 đối tượng đã tiếp cận bé gái 15 tuổi và đưa đến căn hộ bọn chúng thuê ở quận Sơn Trà. Sau đó cho tiền dụ dỗ em biểu diễn tình dục và quay phim phát ngay trên mang xã hội có thu phí và thu hút nhiều triệu người xem clip này.

“Trong khi trẻ em còn non nớt, thiếu kiến thức và kỹ năng thì tội phạm mạng lại vô cùng nguy hiểm. Thủ đoạn các đối tượng thường dùng là lập phòng chat ảo để tìm kiếm trẻ em, từ đó thả tin nhắn làm quen. Chúng luôn lấy tên tuổi, hình ảnh giả, tạo ấn tượng ban đầu với các em là người có học thức, có cuộc sống khá giả, hiểu tâm lý trẻ em và luôn sẵn sàng chia sẻ. Sau một thời gian nói chuyện thì đổi chủ đề từ học tập sang chủ đề về giới, về tình dục, rủ nhau xem các hình ảnh khiêu dâm trên mạng. Bước tiếp theo là dụ dỗ trẻ phơi bày các bộ phận cơ thể, tạo dáng chụp ảnh giống trong phim. Khi có được các hình ảnh, đoạn phim của trẻ, các đối tượng sẽ ép trẻ quan hệ tình dục nếu không sẽ phát tán hình ảnh lên mạng”, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa: Năng lực của các cơ quan quản lý truyền thông cũng như các tổ chức bảo vệ trẻ em còn hạn chế

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng: Năng lực của các cơ quan quản lý truyền thông cũng như các tổ chức bảo vệ trẻ em còn hạn chế khi giải quyết một số vụ việc trẻ bị xâm hại. Các cơ quan truyền thông với mục đích ban đầu là phản ánh sự việc để kêu gọi sự quan tâm, sự lên tiếng có trách nhiệm của cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên đôi khi tập trung thu hút sự chú ý của dư luận mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong cách đưa tin, hình ảnh, vô hình chung làm tổn thương thêm các em. Cùng với đó các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ.

Các đại biểu khuyến nghị: Trẻ em vốn rất thông minh, yêu thích công nghệ và khám phá những điều mới mẻ song lại quá non nớt trước thủ đoạn của những kẻ xấu trên mạng. Do vậy, nếu những bậc phụ huynh, người lớn trao cho trẻ chiếc điện thoại thông minh để các em được tiếp cận với công nghệ số mà lại không hướng dẫn các em cách thức sử dụng mạng an toàn thì nguy cơ đến với trẻ là rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông trả lời chất vấn

Trước nguy cơ trẻ đối diện với nhiều rủi ro khi tiếp xúc với không gian mạng, từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung: “Bộ trưởng có cho rằng chúng ta đang phản ứng chậm trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng hay không?”

Ngày 13/01/2020,  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có văn bản số 117 trả lời chất vấn của Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân.

Văn bản nêu rõ, Internet là kho dữ liệu khổng lồ của thế giới và trên đó ngoài các thông tin, kiến thức bổ ích, giải trí lành mạnh thì còn rất nhiều thông tin, hình ảnh, video có nội dung không phù hợp với trẻ em. Các phim, trò chơi, video clip độc hại, bạo lực, cổ súy những hành vi sai trái, phản cảm của một số cá nhân đang được coi là “thần tượng” trên mạng xã hội như Khá Bảnh,...có ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của giới trẻ.

Thời gian qua, Bộ đã tích cực triển khai các giải pháp trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Cụ thể là các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý, cung cấp, sử dụng nội dung thông tin trên mạng đã được điều chỉnh, bổ sung như thẩm định nội dung game G1 để bảo đảm không kích động bạo lực, có các yếu tố vi phạm, thuần phong mỹ tục trước khi cho phép phát hành; Có quy định dán nhãn phân loại độ tuổi game để phân biệt game phù hợp trẻ em; Có biện pháp hạn chế giờ chơi 180 phút/ngày đối với game G1 khi người chơi là dưới 18 tuổi.

Khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính truy cập các trang web đen độc hại; tạo dựng trang web dành cho trẻ em; triển khai hệ thống kỹ thuật tiếp nhận cảnh báo, tố cáo các nội dung không phù hợp, có hại cho trẻ em.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội; phối hợp với Bộ Công an để điều tra xác định hành vi, nhân thân vi phạm và chuyển hồ sơ đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự.

Văn bản trả lời chất vấn cũng nêu rõ: Thời gian qua Bộ Thông tin truyền thông đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Google, Facebook, Apple buộc các doanh nghiệp này phải triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, có hại cho trẻ em; chặn, gỡ các game và link quảng cáo game vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên các nền tảng này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam.

Kể từ năm 2018, cơ chế phối hợp giữa Bộ Thông tin –Truyền thông và Google, Facebook, Apple đã đạt được bước tiến mới. Theo đó, tính đến hết tháng 12/2019, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ: 9.501 video trên YouTube vi phạm. Đặc biệt, thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin –Truyền thông, Google hiện đã ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 19/62 kênh YouTube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá nhà nước có chứa khoảng 5.000 video clip. Facebook đã gỡ 200 tài khoản, gần 2.500 links bán sản phẩm bất hợp pháp, hơn 270 links có nội dung vi phạm, gỡ bỏ 330 fanpages quảng cáo trò chơi cờ bạc, đổi thưởng... Google gỡ hơn 100 trò chơi có nội dung phản động, và trò chơi không phép, Apple gỡ 13 trò chơi điện tử không phép, trò chơi cờ bạc, bạo lực... khỏi kho ứng dụng của mình.

Giáo dục trẻ kỹ năng biết tự bảo vệ mình trên môi trường mạng

Sự phát triển của Internet đem lại nhiều tiện ích cho con người. Trong thế giới công nghệ số, trẻ em cũng được tham gia vào môi trường mạng từ rất sớm. Tuy nhiên, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết về bạo lực, xâm hại tình dục. Số liệu này đã và đang làm nhức nhối các cơ quan chức năng, gây lo lắng cho những bậc làm cha mẹ. Vậy, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như thế nào và cần có những giải pháp gì nhằm góp phần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được an toàn hơn, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân về vấn đề này.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân: Giáo dục trẻ kỹ năng biết tự bảo vệ mình trên môi trường mạng

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tiễn nào tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Trước sự phát triển của công nghệ số, in-tơ-nét trở thành công cụ phổ biến, thu hút số lượng người sử dụng và độ tuổi sử dụng in-tơ-nét cũng ngày càng nhỏ, trong khi đó trên môi trường mạng tồn tại số lượng lớn trang website đen, mạng xã hội có rất nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học đường. Do vậy trẻ là đối tượng rất dễ đối diện với nguy cơ, hiểm họa có thể xảy ra.

Thực tế đã có rất nhiều trẻ em là nạn nhân trên môi trường mạng. Những con số thống kê của ngành chức năng cho thấy, trẻ em có thể đối diện với vấn đề về sức khỏe, bị dụ dỗ, bị xâm hại, bạo lực học đường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Bản thân tôi cũng như bao bậc phụ huynh khác đang có con nhỏ, luôn lo lắng trước không gian mạng hiện nay. Từ những lý do này, tôi đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng xung quanh vấn đề đại biểu đã chất vấn

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thể hiện rõ vai trò là người đứng đầu bộ, điều hành, quản lý đối với lĩnh vực mình phụ trách. Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự nhanh chóng có văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng đối với chất vấn của tôi. Tuy, Bộ trưởng chưa trả lời cụ thể vấn đề tôi đặt ra là “chúng ta đang phản ứng chậm trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng hay không”? nhưng trong nội dung trả lời chất vấn Bộ trưởng đã cung cấp tổng quát những thông tin về thực trạng cũng như các giải pháp Bộ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, nhằm từng bước bảo vệ trẻ em trên môi trường mạn được hiệu quả hơn.

Phóng viên: Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra đối với trẻ trên không gian mạng. Vậy theo đại biểu nguyên nhân do đâu?

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk:

Trẻ em còn rất non nớt cho nên dễ thiếu những kỹ năng để tham gia không gian mạng, thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, do bận rộn với công việc, nhiều bậc phụ huynh không có thời gian quản lý, chăm sóc, hướng dẫn, theo sát trẻ. Thậm chí có những bậc cha mẹ không rành công nghệ số, kỹ năng mạng bằng chính con em của mình nên cũng khó đồng hành với các em trên môi trường mạng để có thể giúp các em giải quyết những khó khăn trong thực tế cuộc sống.

Ngoài ra, dù hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta có tới 18 văn bản Luật; 34 văn bản thuộc chương trình đề án của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ; 32 văn bản của các Bộ ngành liên quan đến bảo vệ chăm sóc trẻ em nhưng thật ra văn bản để quản lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thì vẫn còn chưa đủ và cũng chưa thực sự đáp ứng được thực tiễn trước sự phát triển của công nghệ số. Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan ban ngành phối hợp với nhau trong việc xây dựng môi trường an nình an toàn, quản lý bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng chưa thực sự hiệu quả.

Phóng viên: Vậy, theo đại biểu trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Trách nhiệm bảo vệ trẻ em không chỉ riêng bộ ngành, cơ quan tổ chức nào mà là trách nhiệm thuộc cà hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn xã hội, trách nhiệm của gia đình, nhà trường… chăm lo cho công tác trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó, gia đình có trách nhiệm rất lớn trong việc gần gũi, quản lý, hướng dẫn con em những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trên không gian mạng.

Bên cạnh đó cần nhìn nhận rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông trên không gian mạng là rất quan trong, có giải pháp quản lý, thiết lập được không gian mạng lành mạnh cho trẻ. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có vai trò phối hợp với các Bộ ngành chức năng như Bộ Công an trong việc ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý những nội dung không lành mạnh trên không gian mạng; Phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội… các tổ chức đoàn thể xã hội tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân, phụ huynh học sinh, trẻ nhỏ dễ dàng nhận diện, nhận biết được những nội dung nào lành mạnh và nội dung nào không lành mạnh để trẻ tiếp cận với môi trường mạng được an toàn nhất.

Phóng viên: Đại biểu đề xuất, kiến nghị gì để góp phần bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng được an toàn hơn?

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Trong văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã khái quát cơ bản những giải pháp Bộ triển khai nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thời gian qua, qua đó cũng thể hiện được chức năng nhiệm vụ của Bộ trong việc quản lý trên môi trường mạng. Tuy nhiên, tôi cho rằng để giải quyết hiệu quả hơn vấn đề trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng thì Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp tổng thể hơn nữa, phối hợp với các bộ ngành chức năng có những giải pháp tích cực, chủ động hơn trong việc xây dựng bổ sung các văn bản quy định pháp luật để đảm bảo có đủ hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ đối với hoạt động cung cấp dịch vụ internet xuyên biên giới, hoạt động quảng cáo, hoạt động của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội liên quan đến trẻ em. Đồng thời có những giải pháp cảnh báo được nguy cơ đối với trẻ trên không gian mạng. Bên cạnh đó, có chế tài xử lý nghiêm minh hơn các loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp viễn thông phải tăng cường trách nhiệm trong việc ngăn chặn chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung nguy hại, xâm phạm trẻ em.

Để tạo được môi trường thực sự an toàn, các em có thể được vui tươi học tập, trưởng thành trong môi trường lành mạnh thì đòi hỏi các Bộ ngành chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cha mẹ, để vừa đảm bảo cha mẹ có kiến thức về kỹ năng số, theo sát được các con để để kịp thời điều chỉnh những hành vi của trẻ trên thế giới ảo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong thời đại công nghệ số, chúng ta không thể cấm trẻ em tham gia không gian mạng, như thế sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức. Do vậy, việc giáo dục cho trẻ em những kỹ năng biết tự bảo vệ mình trên môi trường mạng cũng như những kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày là hết sức quan trọng. Về phía cha mẹ, cần có biện pháp giám sát hiệu quả đối với việc sử dụng mạng của con em mình, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để có những biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, trong sạch để khi trẻ em tiếp cận với không gian mạng sẽ được hưởng lợi ích nhiều từ tri thức tới giải trí./.

 

Lê Phương