Toàn cảnh Phiên họp
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng lần này xuất phát từ các yêu cầu sau: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng được nêu tại các văn bản của Đảng qua các thời kỳ; giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng; nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp người có công với cách mạng chưa được hưởng chế độ, chính sách; bổ sung chính sách ưu đãi đối với thân nhân người có công với cách mạng; một số quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân quá thấp, bất hợp lý; chưa bảo đảm cân đối, hài hòa về mức độ cống hiến giữa các diện đối tượng là người có công với cách mạng. Việc sửa đổi Pháp lệnh cần được rà soát, sửa đổi để xác lập các chế độ ưu đãi phù hợp với công lao cống hiến của từng diện đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh xuất phát từ những yêu cầu như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình và thấy rằng, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm “thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”, “không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công” cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, tên gọi và phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Pháp lệnh, Ủy ban nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của dự án Pháp lệnh như dự thảo Chính phủ trình: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo gồm 6 chương, 57 điều, trong đó có 2 chương mới là Chương III về Công trình ghi công liệt sỹ và Chương IV về Nguồn lực thực hiện, bỏ 1 chương (Chương IV. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm), 11 điều mới, 44 điều sửa đổi, bổ sung; bỏ 02 điều. Các điều được sửa đổi liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với đối tượng và chế độ ưu đãi đối với thân nhân và người có liên quan của một số nhóm đối tượng.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và Cơ quan thẩm tra đối với Dự án Pháp lệnh; ghi nhận Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị rất công phu và cũng đã đưa ra được những nội dung mới đánh giá tác động khá toàn diện.
Đi vào cụ thể, cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, về vấn đề chế độ, chúng ta cũng nên rà soát cho chặt chẽ, thực ra đây không chỉ là vấn đề trợ cấp mà là vấn đề tôn vinh, nếu chúng ta tôn vinh không đúng thì cũng lại có tác động ngược trở lại. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục rà thêm về các đối tượng và việc giải thích từ ngữ cũng phải hết sức chặt chẽ. Ví dụ có một số từ mà bây giờ không nên dùng nữa, ví dụ “trợ cấp tuất”, tuất chính là trợ cấp rồi, cho nên dùng là “trợ cấp hàng tháng”, không dùng “trợ cấp tuất hàng tháng” nữa.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình phát biểu
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, trong pháp lệnh này ta cần phải làm rõ hơn khái niệm và phạm vi giới hạn. Từ sau 1975 đến nay chúng ta còn gọi là có công với cách mạng không hay đây là những người đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? Điều này cần phải làm rất rõ, vì bây giờ không phải chỉ là thời kỳ cách mạng mà là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, định nghĩa khái niệm cần rõ ràng về Pháp lệnh Người có công với cách mạng, đất nước, từ đó chúng ta giới hạn, nếu xây dựng bảo vệ Tổ quốc thì chúng ta có những chính sách đối với những người xây dựng, kể cả anh hùng, kể cả liệt sĩ như thế nào.
Cũng tham gia phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến quan tâm đến Khoản 7 Điều 14 về điều kiện công nhận là liệt sĩ. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Khoản 7 có nêu hy sinh trong các trường hợp do ốm đau, tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được công nhận liệt sĩ. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cụm từ “địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” cũng phải nêu rõ là theo phân định của vùng dân tộc thiểu số, miền núi hay theo phân định nào vì thực tế hiện nay chúng ta chỉ có quyết định của Chính phủ về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, trong đó có địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, nếu lấy Khoản 7 làm điều kiện để được công nhận là liệt sĩ cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do tai nạn, do ốm đau mà bị hy sinh thì quy định như vậy chưa đại diện cho toàn thể vùng miền của đất nước mình, vì địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn nó chỉ là phân định cho vùng dân tộc thiểu số miền núi. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với ý kiến của Chính phủ trong việc bổ sung chính sách bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá. Về điều kiện công nhận liệt sĩ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc này phải nghiên cứu cho kỹ để làm rõ đạo lý của vấn đề liệt sĩ, hy sinh trong chiến đấu thì rõ ràng, nhưng thời bình này nếu không quy định chặt chẽ thì bất cứ sự mất mát nào chúng ta cũng đề nghị là liệt sĩ, do đó phải cân nhắc. Những trường hợp đặc biệt dũng cảm thực hiện công việc đặc biệt, nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân thì những trường hợp đó công nhận liệt sĩ mới có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và hình ảnh của sự hy sinh đó mới lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, sự chuẩn bị chu đáo của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đối với Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); đề nghị các cơ quan chuyên môn và các Bộ, ngành hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại Phiên họp tiếp tục hoàn thiện Dự án Pháp lệnh này đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam và đảm bảo tính khả thi khi đi vào thực tiễn./.