CÁC BỘ, NGÀNH BÁO CÁO VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/2014/QH13 CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020 THUỘC LĨNH VỰC PHỤ TRÁCH

17/08/2020

Thực hiện chương trình công tác, chiều 17/8, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục tổ chức phiên họp nghe các Bộ, ngành báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 thuộc lĩnh vực phụ trách. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ; đại diện các Bộ, ngành, đơn vị hữu quan.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 76 và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bên cạnh đó Bộ đã chủ động lồng ghép việcc thực hiện Nghị quyết 76 với các nhiệm vụ thường xuyên, các đề án, dự án trong chương trình công tác của Bộ Giáo dục và dào tao. Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo chủ động truyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các nhóm đối tuợng thu hưởng, chủ động rà soát bảo đảm không bỏ sót đối tượng thụ hưởng. Đồng thời hướng dẫn các đối tượng về hồ sở thủ tục, hạn chế thời gian đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, về hệ thống các chính sách, cơ bản, hiện nay, hệ thống các chế độ, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã tuơng đối đầy đủ.

Việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn trong thời gian qua đã tác động đến nhiều mặt (phát triển cơ sở giáo dục, kiên cố hóa trường lớp, bảo tồn tiếng, chữ dân tộc thiểu số,...) nhiều đối tượng tham gia giáo dục. Các chính sách tập trung quan tâm tới các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiếu số ở vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng thiệt thòi khác đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Thực hiện chính sách tại các địa phương được đảm bảo không phát sinh mặt tiêu cực, mặt trái đối với xã hội. Bên cạnh các chính sách của Đảng và Nhà nước có tính ổn định còn có các đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn, cùng với sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân nên công tác phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số cơ bản đạt được mục tiêu.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo một số nội dung

Bộ Tư pháp cũng cho biết, Bộ đã hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ được giao, đảm bảo tính kịp thời và liên tục của các chính sách trợ giúp pháp lý. Thông qua hoạt động truyền thông, người dân và người được trợ giúp pháp lý, nhất là người sinh sống tại các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã biết về trợ giúp pháp lý ngay tại cơ sở và sử dụng ngay quyền được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Báo cáo về một số khó khăn, tồn tại, Bộ Nội vụ chỉ ra rằng, một số cấp ủy và chính quyền chưa quan tâm đầy đủ việc theo dõi, kiểm tra và giám sát thực hiện các Đề án, Dự án để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; một số trí thức trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước ở cấp xã; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách còn chậm so vơi tiến độ thực hiện các Đề án, Dự án.

Đưa ra một số đề xuất giải pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi đồng bộ các chính sách, biện pháp đột phá có ý nghĩa nền tảng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chính sách phát triển nông thôn mới bền vững; chính sách huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp góp phần phát triển nông thôn, tạo việc làm, hướng sản xuất bên vững góp phần xóa đói giảm nghèo. Huy động đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi phục vụ sản xuất và dân sinh; ưu tiên nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho các xã có điều kiện khó khăn, dân tộc ít người. Chú trọng hỗ trợ cư dân nông thôn, miền núi về chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ để mở rộng ứng dụng trong sản xuất và đời sống phục vụ phát triển bền vững.

Cho ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng báo cáo của Bộ Y tế còn thiếu một số nội dung theo đề cương của Ủy ban; một số kiến nghị của Bộ còn chưa thật sự phù hợp; qua giám sát có những vấn đề còn nổi cộm nhưng chưa được đề cập giải quyết thỏa đáng trong báo cáo.

Các đại biểu cho ý kiến

Một số ý kiến cũng đề nghị, các Bộ, ngành cần đánh giá kỹ các chỉ số giảm nghèo, trong đó có chiều về chỉ số giáo dục, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các chỉ số thiếu hụt, cần có chính sách gì để thay đổi những thiếu hụt; bên cạnh đó có những chính sách rất chậm thay đổi, thể hiện rõ sự lạc hậu. Đồng thời những đề xuất trong báo cáo còn chưa thực sự cụ thể, rõ ràng.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề cử tuyển, tạo việc làm, tuyển dụng vào lực lượng công chức, viên chức, các ý kiến cho rằng hiện vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được cho vào báo cáo để từ đó có những đánh giá, đề xuất giải pháp, kiến nghị hiệu quả.

Hơn nữa, Thường trực Ủy ban đề nghị cần làm rõ việc tích hợp chính sách, cho đến nay việc tích hợp chính sách đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Cần bám sát những mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 76, từ đó đánh giá đối với những mục tiêu Chính phỉ giao thì mức độ hoàn thành ra sao; khả năng cân đối chính sách để thực hiện các mục tiêu; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những sai phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh kết luận một số nội dung làm việc

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, các báo cáo của Bộ, ngành cơ bản đã bám sát đề cương. Sau phiên họp này, đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện báo cáo, làm rõ một số nội dung liên quan, bổ sung số liệu rõ ràng, cụ thể, tiếp tục hoàn thiện các đề xuất, giải pháp. Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị các báo cáo cần hoàn thiện sớm và gửi về Ủy ban trước ngày 28/8 để Ủy ban kịp chuẩn bị cho việc tiến hành buổi làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về các vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo./.

Hồ Hương

Các bài viết khác