Cần tiếp tục tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạch địnhvà thực hiện chính sách
Năm 2020 đánh dấu 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới. Đến nay văn kiện này vẫn được coi là chi tiết và tiến bộ nhất về việc thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn thế giới. Tuyên bố Bắc Kinh khẳng định rằng quyền con người của phụ nữ không thể tách rời khỏi quyền con người phổ quát của mỗi người nhưng nếu không có hành động cụ thể để củng cố thì phụ nữ sẽ chỉ giữ quyền trên danh nghĩa.
Cùng với sự phát triển nhiều mặt của nhân loại trong những thập kỷ qua, vượt qua nhiều rào cản và định kiến, phụ nữ đã ngày càng khẳng định vai trò to lớn của mình trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Hiện có trên 20 % Chủ tịch Quốc hội trên thế giới là nữ; trong 10 nước ASEAN cũng có 3 nữ Chủ tịch Quốc hội. Nữ giới cũng chiếm một tỷ lệ quan trọng trong đội ngũ các chính khách, doanh nhân, các chuyên gia, nhà khoa học uy tín hàng đầu của thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh các nữ chủ tịch Quốc hội lần thứ 13 diễn ra theo hình thức trực tuyến
Tuy nhiên trong phần phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Liên Bang Áo Andrea Eder-Gitschthalar cho rằng sau 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh thế giới có thể đạt được nhiều kết quả hơn nhưng thật không may là vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, các đại biểu Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong các lĩnh vực, tạo ra chương trình hành động cả về xã hội và kinh tế của phụ nữ, đấu tranh chống lại bất bình đẳng cũng như trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch Covid phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn đàn ông bởi sự phân biệt đối xử, hạn chế quyền, sự nghèo đói, phụ thuộc về kinh tế. Tuy nhiên phụ nữ lại đóng vai trò quyết định trong việc quản lý khủng hoảng trong những tình huống khẩn cấp, giải quyết các mâu thuẫn mới phát sinh. Do đó, các nữ đại biểu Quốc hội/nữ nghị sỹ cần phải có những đóng góp chủ động để thúc đẩy các nội dung này.
Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Doris Bures cũng cho rằng những tiến bộ đạt được về bình đẳng giới trong suốt 25 năm đang bị đe dọa bởi đại dịch Covid-19. Bày tỏ quan ngại trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Doris Bures cho rằng các nữ đại biểu Quốc hội/ nữ nghị sĩ cần có tiếng nói để bảo vệ và phát huy những kết quả về bình đẳng giới đã đạt được.
Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Doris Bures cho biết hiện nay phụ nữ đã tham gia và đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực và đã chứng minh được vai trò quản lý xử lý khủng hoảng. Mặc dù chỉ có 7% các quốc gia có lãnh đạo nữ nhưng các nước đối phó tương đối thành công với Covid-19 thì đều có lãnh đạo nữ. Do đó cần phải tiếp tục tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạch định chính sách cũng như phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện chính sách.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, trước tình hình khó khăn khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, xã hội của hầu hết các quốc gia, với sự nhay cảm, lòng nhân ái và bao dung, phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới đã nhanh chóng tham gia tuyến đầu trong công tác phòng chống và đấu tranh đẩy lùi và giảm thiểu tác hai của dịch bệnh. Phụ nữ có các kỹ năng riêng để ứng phó khi hoàn cảnh xung quanh thay đổi bằng cách thực hiện những sáng kiến và các giải pháp thích nghi khác nhau mà họ tích lũy được từ cuộc sống và công việc hàng ngày của mình.
Nữ đại biểu Quốc hội cần có những đề xuất biện pháp xóa bỏ bất bình đẳng và hỗ trợ phụ nữ
Bên cạnh những kết quả đáng mừng thì việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhất là trao quyền phụ nữ tham gia quản lý khủng hoảng cùng còn những bất cập. Tại một số quốc gia, nhất là tại các nước đang phát triển, nguồn lực và môi trường phát triển dành cho phụ nữ chưa được đảm bảo. Phụ nữ vẫn chưa nhận được đối xử bình đẳng về việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc; một bộ phận vẫn bị bạo hành gia đình. Những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống của thể giới như đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra rất nhiều hậu quả to lớn về mọi mặt cho xã hội, trong đó phụ nữ cũng chính là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.
Theo Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Gabriela Cuevas Barron, Hội nghị thượng đỉnh các nữ chủ tịch Quốc hội lần này là diễn đàn để có những giải pháp mới để đối mặt với những thách thức chưa từng thấy, phải có những biện pháp để đối phó với đại dịch Covid-19. Đây cũng là diễn đàn quan trọng để đánh giá cao vai trò của Quốc hội và nữ đại biểu Quốc hội để đối phó với đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả nhất.
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Gabriela Cuevas Barron cho rằng, đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng có những cơ hội thúc đẩy thêm về bình đẳng giới và cần phải có những chính sách về giới, quy trình mang tính cấp thiết, có những biện pháp hiện thực hóa những cam kết.
Nhấn mạnh rằng, cần cam kết cao hơn để có biện pháp mạnh hơn nhằm xóa bỏ tất cả sự bất bình đẳng phân biệt và phải có những luật và văn bản dưới luật để triển khai thực hiện, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Gabriela Cuevas Barron kêu gọi các Chủ tịch Quốc hội, các nữ đại biểu Quốc hội với quyền hạn của mình có những đề xuất biện pháp xóa bỏ bất bình đẳng và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào chính quyền, giới thiệu phụ nữ có tiềm năng tham gia hoạt động chính trị, phấn đấu đạt tỷ lệ 50% đại biểu quốc hội là nữ; nhấn mạnh trước những sự phân biệt, khoảng cách đối với phụ nữ thì cần phải có những luật bảo đảm thu nhập bình đẳng phụ nữ và đàn ông, mở ra nhiều cơ hội để có bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực, hủ tục với phụ nữ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ, khuyến khích để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp.
Cùng với lời kêu gọi của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề xuất cần hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền phụ nữ, bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ trong xã hội, nhất là trong tình hình khủng hoảng y tế toàn cầu, thiên tai trong xã hội. Cần quan tâm và tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện bình đẳng giới trong xã hội, đặc biệt các hoạt động nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến đối với phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, nâng cao năng lực lên tầm cao mới. Tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát hỗ trợ nâng cao năng lực của phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp; tăng cường sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, nhất là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới, triển khai các sáng kiến quản lý khủng hoảng. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hợp tác đa phương trên kênh lập pháp và hành pháp, góp phần nâng cao nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị thượng đỉnh các nữ chủ tịch Quốc hội diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. Những kết quả của Hội nghị nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 13 sẽ được đưa vào nội dung nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Trước đó, trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2022, Việt Nam đã thúc đẩy các ưu tiên về chương trình nghị sự và các sáng kiến của Việt nam liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái tại các khuôn khổ này; đặc biệt là việc, tổ chức trực tuyến Phiên họp đặc biệt cấp cao ASEAN về Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số với chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn". Điều này cho thấy thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chủ đề xuyên suốt trong năm 2020 trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, cho thấy cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của các nước trong đó có Việt Nam./.