Toàn cảnh tọa đàm
Tham dự tọa đàm có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện UNAIDS Geneva; các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Cho biết, về kết quả thực hiện can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; những quy định về can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễn HIV trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chương trình điều trị nghiện được ban hành đầy đủ: Luật Phòng, chống HIV/AIDS; 03 Nghị định của Chính phủ; Nghị quyết, Chỉ thị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 09 Thông tư và Thông tư liên tịch; 17 Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật (bao gồm cả chương trình Methadone, chương trình Buprenorphine và Hướng dẫn can thiệp cho nhóm sử dụng ma túy tổng hợp).
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế báo cáo
Đặc biệt, Chương trình Điều trị nghiện CDTP bằng thuốc thay thế có hiệu quả rõ rệt: Giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp; Giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV; Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường máu (HBV, HCV); Cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất, cải thiện chất lượng cuộc sống; Giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, giảm các hành vi cầm cố đồ đạc trong gia đình; Hiệu quả kinh tế.
Tại tọa đàm, đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết về những quy định liên quan đến dự phòng nghiện, cai nghiện ma túy và giảm tác hại do sử dụng ma túy trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về phòng, chống ma túy, coi đây là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội (khoản 1 Điều 5). Bản thân mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan và cộng đồng phải có ý thức, trách nhiệm tham gia một cách tích cực “phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy” (khoản 10 Điều 2).
Đồng thời, can thiệp, dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy có mối quan hệ mật thiết với nhau, đòi hỏi tính chuyên môn cao, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, tổ chức và toàn xã hội. Trong khi đó, những năm qua, chính sách, pháp luật về cai nghiện phục hồi chỉ tập trung vào nhóm người “nghiện ma túy” mà chưa trú trọng nhóm “sử dụng trái phép chất ma túy”, tức là chỉ tập trung giải quyết phần ngọn mà chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Hiện nay, người sử dụng bất hợp pháp các loại ma túy gây ảo giác, hướng thần ngày càng tăng, thường mất kiểm soát hành vi, ngay lần sử dụng đầu tiên đã có thể gây nguy hiểm cho chính họ và cho xã hội. Do đó, cần phải có biện pháp can thiệp, dự phòng sử dụng trái phép, nghiện ma túy ngăn chặn ngay từ đầu đối với các nhóm đối tượng này.
Đối với quy định về dự phòng cai nghiện ma túy, theo Tiêu chuẩn dự phòng nghiện ma túy, có 3 cấp độ dự phòng: Dự phòng phổ quát (đối với toàn xã hội, bằng các biện pháp tuyên truyền, phổ biến về ma túy, hậu của ma túy nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng, chống ma túy của người dân), dự phòng chọn lọc (đối với các nhóm có nguy cơ cao, ví dụ như công nhân, lái xe đường dài, người bán dâm…, nhằm giúp họ có hiểu biết bảo vệ bản thân, không sử dụng trái phép chất ma túy), dự phòng chỉ định (đối với đối tượng cụ thể, đang sử dụng ma túy, bắt buộc tham gia chương trình giáo dục hành vi để họ ngừng sử dụng ma túy). Dự thảo Luật đã đưa nội dung dự phòng sử dụng, nghiện ma túy vào các quy định liên quan trực tiếp đến trách nhiệm phòng, chống ma túy (Chương II) của cá nhân, gia đình (Điều 6), của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp (Điều 7), nhà trường và các cơ sở giáo dục (Điều 8), các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân (Điều 9), các cơ quan báo chí, truyền thông (Điều 10) trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng, chống ma túy, hỗ trợ người nghiện hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống…Đối với người nghiện ma túy được bảo đảm tiếp cận các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp với tình trạng, nhu cầu của bản thân theo một quá trình gồm “các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội và y tế giúp người nghiện thay đổi nhận thức, hành vi, phục hồi thể chất, tinh thần nhằm giảm sử dụng ma túy, tác hại của ma túy” (Khoản 17 Điều 13).
Về quy định về biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy (Điều 45), giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của nghiện ma túy được xác định là xu hướng toàn cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Đây là biện pháp nhằm giảm hậu quả tác hại liên quan đến hành vi sử dụng ma túy của người nghiện ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Điều 45 Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy và tổ chức thực hiện các biện pháp này.
Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm
Thảo luận tại tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm cần xem người nghiện ma tuý là một loại bệnh, cần được điều trị và Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ người nghiện chữa bệnh. Điều đó thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo. Đồng thời cách tiếp cận cần phân biệt rạch ròi giữa người sử dụng, nghiện ma túy với tội phạm ma túy.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, Việt Nam phải chấp nhận ma túy là vấn đề xã hội toàn cầu,đã còn ma túy thì phải còn người nghiện ma túy trái phép. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chủ yếu áp dụng biện pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Do đó, nếu tiếp cận người nghiện ma túy là người bệnh thì cần gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của người nghiện trong việc giảm hại cho cộng đồng. Đồng thời khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới về vấn đề điều trị.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS) vì luật được ban hành khá lâu, bối cảnh, thời điểm ban hành luật thay đổi nhiều trong khi đó có nhiều luật liên quan như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống các bệnh lây nhiễm, Luật Phòng chống ma túy… đã và đang được được sửa đổi nhiều. Do vậy, ban soạn thảo cần cập nhật, rà soát cho phù hợp với hệ thống pháp luật hiện nay.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý xác đáng, sâu sắc của các đại biểu tham dự. Phó chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, các ý kiến của các đại biểu sẽ là cơ sở để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ giữa Luật này với hệ thống pháp luật hiện hành; đặc biệt tính hợp hiến, hợp pháp để phù hợp với các Công ước mà Việt Nam đã ký kết./.