THẨM TRA ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ THUỘC TỈNH ĐẮK NÔNG

29/12/2020

Tại phiên toàn thể trực tuyến lần thứ 32, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị điều chỉnh 2,56 km2 diện tích tự nhiên của thôn Năm Tầng, xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil về xã Cư Knia, huyện Cư Jút quản lý. Điều chỉnh 4,64 km2 diện tích tự nhiên và 425 người của thôn Đăk Hưng, thị trấn Đắk Mâm về xã Nam Xuân quản lý. Điều chỉnh 2,60 km2 diện tích tự nhiên và 270 người của thôn Đắk Tân, thị trấn Đắk Mâm về xã Tân Thành quản lý. Điều chỉnh 2,58 km2 diện tích tự nhiên của thôn Đắk Ri, xã Tân Thành về xã Nam Xuân quản lý.

Kết quả sau khi điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Đắk Nông không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính các cấp trực thuộc.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể trực tuyến

Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định điều chỉnh địa giới hành chính xã Đắk R'la của huyện Đắk Mil và xã Cư Knia của huyện Cư Jút; thị trấn Đắk Mâm, xã Tân Thành và xã Nam Xuân của huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp thẩm tra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn làm rõ, trong những năm qua, do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đã có sự xâm canh, xâm cư tại khu vực giáp ranh giữa hai xã thuộc 02 huyện Đắk Mil, Cư Jút. Khu vực thôn Năm Tầng, xã Đắk R'la cách trung tâm xã khoảng 35 km, cách trung tâm huyện Đắk Mil 60 km, giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là tuyến đường đất AH17; địa hình có nhiều sông suối chia cắt, nên vào mùa mưa thường bị cô lập; người dân sử dụng phương tiện thô sơ như xe máy và súc vật kéo để đi lại và phải đi vòng qua xã Cư Knia, huyện Cư Jút. Trong khi đó khu vực thôn Năm Tầng, xã Đắk R'la lại nằm liền kề (cách khoảng 02 km) với trung tâm xã Cư Knia thuộc huyện Cư Jút, giao thông đi lại rất thuận tiện.

Thị trấn Đắk Mâm là trung tâm huyện lỵ của huyện Krông Nô. Địa bàn thị trấn có thôn Đắk Tân, thôn Đắk Hưng cách rất xa trung tâm thị trấn. Người dân hai thôn này muốn về trung tâm thị trấn Đắk Mâm để giao dịch phải đi vòng qua xã Tân Thành và xã Nam Xuân của huyện Krông Nô gần 20 km, đường đất rất khó khăn. Trong khi đó, đường giao thông từ thôn Đăk Hang tới trung tâm xã Nam Xuân và từ thôn Đắk Tân tới trung tâm xã Tân Thành vừa rất gần (khoảng 3km), vừa đi lại rất thuận tiện.

Xã Tân Thành nằm về phía Tây Nam của huyện Krông Nô, địa bàn xã | Tân Thành có hơn 2 km thuộc thôn Đắk Ri nằm tiếp giáp với xã Nam Xuân, những tách biệt với xã Tân Thành bởi suối Đắk Mâm (Suối rộng khoảng 30m) và những dãy núi cao, nên rất khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền xã Tân Thành, vì muốn tới được khu vực này thì phải đi vòng rất xa qua thị trấn Đắk Mâm và trung tâm xã Nam Xuân.

Từ những lý do trên, việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút, giữa các xã, thị trấn thuộc huyện Krông Nô là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền, không làm tăng thêm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Đắk Nông, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh địa giới hành chính một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Đắk Nông theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ là cần thiết, đúng với thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc điều chỉnh địa giới hành chính theo Tờ trình và Đề án đã bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đều đáp ứng đủ quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đánh giá tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính sau khi điều chỉnh địa giới, các đại biểu chỉ rõ, sau điều chỉnh địa giới hành chính, cả 02 đơn vị hành chính cấp huyện và 04 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông không đạt 100% của một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định của Nghị quyết số 1211. Huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút trước và sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đều không đạt tiêu chuẩn về số lượng đơn vị hành chính  trực thuộc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị hành chính  theo Đề án không làm tăng thêm đơn vị hành chính mới. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 quy định “... Việc nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mà không làm tăng đơn vị hành chính thì không áp dụng quy định tại Chương I của Nghị quyết này” thì việc điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị hành chính  này theo Đề án là phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thì không có đơn vị hành chính nào của tỉnh Đắk Nông có cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211 nên không thuộc diện buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14.

Qua rà soát, nhận thấy trên toàn tỉnh Đắk Nông cũng không có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nào có cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211 nên không thuộc diện buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, đề nghị chính quyền tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, rà soát để có phương án sắp xếp các đơn vị hành chính theo diện khuyến khích, qua đó giảm số lượng đơn vị hành chính theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Theo dự kiến chương trình, nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp thứ 52 (tháng 1/2021)./.

Bảo Yến