ĐBQH PHAN THÁI BÌNH GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

19/02/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khẳng định việc ưu tiên để bảo đảm nhà ở, kể cả đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới là hoàn toàn phù hợp và cần thiết.

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, bên cạnh đó, đại biểu tham gia thêm một số ý kiến để làm rõ thêm một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, thực tiễn trong những năm qua cho thấy việc lực lượng Bộ đội biên phòng tham gia tăng cường làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã biên giới đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Ban Bí thư cũng đã có Kết luận số 68 ngày 5/2/2020 về thực hiện chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ Bộ đội biên phòng vào cấp ủy cấp huyện, xã biên giới. Do vậy, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam cần nghiên cứu, đánh giá, tổng kết và luật hóa quy định về lực lượng Bộ đội biên phòng tham gia xây dựng chính quyền cơ sở ở địa phương biên giới.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, để làm rõ hơn vai trò nòng cốt, chuyên trách của lực lượng Bộ đội biên phòng, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội biên phòng" và viết lại nội dung Điều 1 như sau: "Luật này quy định chính sách, nguyên tắc hoạt động lực lượng, bảo đảm nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội biên phòng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng".

Thứ ba, về giải thích từ ngữ "biên phòng" tại khoản 1 Điều 2, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân" và viết lại như sau: Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Vấn đề thứ tư, về quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia có vị trí đặc biệt quan trọng. Do vậy, dự thảo luật cần phải quy định cụ thể hơn về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Tuy nhiên, quy định về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng tại Điều 6 ở trong dự thảo luật cho thấy còn rất chung. Tại Nghị quyết số 33 ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định Bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng. Do đó, đại biểu đề xuất sửa đổi Điều 6 quy định về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng theo hướng. Thứ nhất là lực lượng chuyên trách của Bộ đội biên phòng, các lực lượng khác tham gia thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật.

Vấn đề thứ năm, về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tại Điều 34. Có một số ý kiến cho rằng điểm b khoản 1 Điều 34 nên bỏ vấn đề ưu tiên bảo đảm nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho Bộ đội biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới. Đại biểu bày tỏ quan điểm rằng quy định như dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp bởi vì thực tế lực lượng Bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới có điều kiện khó khan gian khổ. Do vậy, việc ưu tiên để bảo đảm nhà ở, kể cả đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Bởi vì, đây là chỉ những đồng chí ở khu vực biên giới, chứ không phải ưu tiên cho toàn bộ lực lượng Bộ đội biên phòng, vậy nên đại biểu cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp.

Thứ hai, quy định tại điểm b khoản 2 của Điều 34 này cũng là trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp lập dự toán ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, đảm bảo thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt chuyên trách như trong dự thảo là hoàn toàn phù hợp. Có ý kiến cho rằng nên sửa từ “đảm bảo” thành từ “hỗ trợ” vì hỗ trợ thì không có một căn cứ nào và hỗ trợ thì biết bao nhiêu, hỗ trợ 1% hay hỗ trợ 100%. Do vậy, trong luật cần quy định chặt chẽ và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia là hết sức quan trọng. Không phải chỉ riêng lực lượng Bộ đội biên phòng, lực lượng Bộ đội biên phòng là nòng cốt, là chuyên trách nhưng cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Do vậy, việc quy định chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo ngân sách để thực thi nhiệm vụ biên phòng này, để đảm bảo khi Ủy ban nhân dân trình cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ra nghị quyết phù hợp với quy định của Luật Ngân sách và phù hợp với các quy định pháp luật liên quan, trong đó có Luật Biên phòng Việt Nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên Điều 34 trong dự thảo Luật.

Minh Hùng