ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: CẦN GIẢI QUYẾT 4 ĐIỂM NGHẼN TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

02/03/2021

Tham gia thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu rõ 4 thách thức, 4 điểm nghẽn đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại phiên họp

Tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề phát triển công nghệ cao, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhận định việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang đến nhiều thành tựu cho nền kinh tế của đất nước. Song, trên thực tiễn cho thấy, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn còn đang gặp phải nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc thu hút vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo công nhân tiêu thụ sản phẩm chính là bước đầu. Đây là khó khăn thứ nhất.

Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giống, đào tạo người lao động, nếu muốn thành lập phát triển trang trại chăn nuôi ở mức quy mô vừa phải theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao thì chi phí sẽ gấp 4 đến 5 lần so với mô hình xây dựng trang trại truyền thống. Cụ thể 1 hecta nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa theo công nghệ của Israel thì cần ít nhất khoảng từ 5 đến 10 tỉ đồng. Số lượng doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao chiếm phần rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước, khoảng 1,01%. Tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam luôn thấp. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao. Đây cũng là khó khăn thứ hai.

Đòi hỏi nguồn lực này phải có hiểu biết về khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn đào tạo ở nước ta hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế so với những yêu cầu hội nhập và phát triển. Trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận khoa học, công nghệ đặc biệt ở những vùng miền có nền kinh tế kém phát triển, nhất là việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Khó khăn thứ ba, thị trường tiêu thụ cũng là một thách thức đáng kể đối với nền nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm nông sản theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém cả trong và ngoài nước mà chưa thực sự tương xứng với chi phí đầu tư. Trên thị trường quốc tế phần lớn nông sản Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu giá trị gia tăng thấp, hoạt động khoa học công nghệ giữa tỉnh, thành trong nước chưa liên kết chặt chẽ. Tại nhiều địa phương, việc xây dựng các kế hoạch hợp tác, tổ chức giữa cá nhân nghiên cứu khoa học với tổ chức, cơ quan được thực hiện dự án còn rời rạc. Vì vậy, thực hiện triển khai với lên kế hoạch dự án còn nhiều bất cập.

Khó khăn, thách thức thứ tư là quy hoạch đất đai. Việc quy tụ đất đai, tập trung ruộng đất còn chậm. Ở nhiều địa phương các vị trí thuận lợi thường xây dựng các hệ thống dịch vụ đặc biệt là các khu công nghiệp. Hơn nữa, đất đai cho việc sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có chính sách quy tụ để mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang cho phép sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây chính là 4 thách thức, 4 điểm nghẽn đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới./.

Minh Hùng