ĐBQH BẠCH THỊ HƯƠNG THỦY GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

02/03/2021

Tham gia thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và xây dựng chính sách định hướng chiến lược phát triển đất nước nói chung và cơ chế chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng.

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại kỳ họp thứ 10

Tham gia ý kiến tại phiên họp về, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm 2021-2025, đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh nước ta là quốc gia đa dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, gần 3 triệu hộ cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của nhân dân, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển toàn diện. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, giáo dục đào tạo, y tế được quan tâm, an ninh xã hội cơ bản được đảm bảo; công cuộc xóa đói, giảm nghèo từng bước có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên; vùng đồng bào dân tộc thiểu số không phát sinh điểm nóng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại. Đặc biệt, đã dần hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, hàng hóa. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hoàn thiện, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế từng vùng, từng khu vực. Mặc dù kinh tế - xã hội đã có bước phát triển trong những năm qua, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang trở thành lõi nghèo của cả nước. Khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi chậm được rút ngắn, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển chung của cả nước.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do xuất phát điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp, rất khó trong việc thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu đất ở, đất sản xuất, không có việc làm, điều kiện chăm sóc sức khỏe y tế và vệ sinh môi trường đang là thách thức lớn. Đi đôi với đó là chịu sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, thiên tai, bão lũ làm thiệt hại cả người và của, làm cho đời sống của đồng bào đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Từ những nguyên nhân nêu trên, đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và xây dựng chính sách định hướng chiến lược phát triển đất nước nói chung và cơ chế chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng nhằm giải quyết triệt để những vấn đề khó khăn trước mắt và lâu dài hơn trong những năm tiếp theo.

Để việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có hiệu quả, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần tập trung vào một số giải pháp trên cơ sở phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, tăng cường nguồn đầu tư và hỗ trợ từ Trung ương với vai trò dẫn dắt và khai thông các nguồn lực địa phương, đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện, tiền đề cho việc phát triển kinh tế nhanh và bền vữn, tạo lập các mối quan hệ liên kết kinh tế - thương mại đối với các tỉnh trong cả nước, nhằm tạo thế mạnh nhất định về sản xuất và xuất khẩu, xây dựng các mô hình liên kết, chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ như chế biến nông, lâm sản, dược liệu, dịch vụ để thúc đẩy giảm nghèo đa chiều với 4 nhóm tiêu chí quan trọng là sinh kế cho nhân dân; sức khỏe và dinh dưỡng; giáo dục và đào tạo; đảm bảo an sinh xã hội, kết hợp lồng ghép đồng bộ giữa xóa đói, giảm nghèo với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giữ gìn, phát huy bản sắc tốt đẹp của các dân tộc đi đôi với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện bình đẳng giới và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện công bằng cùng tiến bộ để đạt được mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh Tây Bắc là địa bàn luôn ẩn chứa những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia, là nơi các tệ nạn xã hội và tội phạm diễn ra khá phức tạp như buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu qua biên giới.

Hiện tượng suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường do quản lý, khai thác và sử dụng kém hiệu quả. Vì vậy, Tây Bắc vẫn là nơi có nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhất. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tập trung thực hiện, kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, các đề án của Chính phủ liên quan đến chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường công tác quản lý nhà nước và quan tâm hỗ trợ thị trường lao động, tạo việc làm cho những sinh viên là người dân tộc thiểu số sau tốt nghiệp đại học, đổi mới chế độ tuyển dụng và sử dụng lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trước khi triển khai đến người dân như là Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.

Minh Hùng