ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI

09/03/2021

Ngày 8/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu: Võ Văn Bình, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Minh Sơn, Tạ Minh Tâm, Nguyễn Hoàng Mai đã đến tiếp xúc với cử tri xã Thiện Trí, huyện Cái Bè; cử tri xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước; cử tri xã Nhị Quý, Thị xã Cai Lậy và cử tri Phường 1, TP. Mỹ Tho.

 

Tại các điểm tiếp xúc với cử tri, các đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, tại kỳ họp này sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); hoạt động giám sát và xem xét quyết định các vấn đề quan trọng như: Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo kết quả hoạt động; thảo luận dự thảo báo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xét xét quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026...

Tiếp đó cử tri phản ánh một số vấn đề còn bức xúc ở địa phương.

Không chủ quan với hạn mặn

Cử tri xã Thiện Trí (Cái Bè) đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội  tỉnh nghiên cứu định hướng cụ thể hơn cho người dân nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp đặt thù thổ nhưỡng địa phương, đồng thời cho rằng, vấn đề nước mặn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đề nghị đại biểu Quốc hội  cho biết kế hoạch cụ thể để người dân an tâm.

Đại biểu Võ Văn Bình trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc

Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình, cho biết, vào ngày 28/5/2020 Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản (sau đây gọi tắt là giống cây trồng, vật nuôi) theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đại biểu Quốc hội lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri

Riêng địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đang triển khai thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế, đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung cao nhất phát triển nông nghiệp vùng số 1 (huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước, TX. Cai Lậy). Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng đã và đang tập trung cao nhất các vấn đề nước cho vùng cây ăn trái phía Tây khi bị xâm nhập mặn.

Đặc biệt, tỉnh ta thành công trong đắp 8 đập thép dọc sông Tiền đảm bảo công tác phòng chống hạn mặn. Và theo dự báo của các ngành chức năng tình hình xâm nhập mặn năm nay không gay gắt như năm 2020 nhưng chúng ta cũng không vì thế mà chủ quan trong điều kiện xâm nhập mặn đang gia tăng hiện nay.

Cử tri xã Thiện Trí phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Đồng thời, đồng chí Võ Văn Bình đánh giá cao ý kiến của các cử tri trong thời gian qua, cảm ơn bà con cử tri theo dõi và góp ý, điều này giúp cho các đồng chí khóa tới tái cử sẽ làm tốt hơn nhiêm vụ của mình. Bên cạnh, đoàn đại biểu mong muốn cử tri quan tâm cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào tháng 5-2021.

Cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Nhiều cử tri xã Phú Mỹ (Tân Phước) băn khoăn về chất lượng khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở do trạm y tế, phòng khám chưa được đầu tư đúng mức, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu, đặc biệt là tình trạng đội ngũ y bác sỹ còn thiếu, chất lượng thuốc còn chưa mang lại hiệu quả cao. Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, cử tri kiến nghị sớm có những giải pháp thiết thực trong thời gian tới, đặc biệt cần ưu tiên đầu tư cho các địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn.

Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, cho biết, thực tế, cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian qua đã được các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm đầu tư, có tiến bộ nhưng phải thừa nhận rằng còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là còn thiếu đội ngũ y, bác sĩ đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Cơ sở vật chất có thể tranh thủ nguồn từ ngân sách hay xã hội hóa để đầu tư, có thể đáp ứng ngay được nhưng việc đòi hỏi nhân lực có thể đáp ứng ngay nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ở cấp cơ sở thì rất khó khăn.

Cử tri xã Phú Mỹ phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Đồng chí đồng cảm với những khó khăn của người dân, đồng thời, đồng chí thông tin thêm, nếu để đào tạo con người đủ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ thì cần phải có thời gian dài, do đó Bộ Y tế bên cạnh việc tăng cường trang thiết bị đã có đưa ra giải pháp phù hợp.

Đó là, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Bộ Y tế đưa ra đề án để các giáo sư đầu ngành có thể khám, chữa bệnh trực tuyến hướng dẫn từ xa đối với y tế tuyến cơ sở. Đây được xem là bước đột phá nâng chất lượng của việc khám, chữa bệnh tại cơ sở, đề án này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao và giúp người dân đỡ phải đi xa trong việc khám, chữa bệnh.

Sẽ nâng mức xử phạt đối với người sử dụng ma túy

Cử tri xã Nhị Quý (TX. Cai Lậy) bức xúc về tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng, gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người dân, gây tâm lý bất an. Cử tri kiến nghị cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn để giảm thiểu số người sử dụng ma túy”.

Đại biểu Võ Văn Bình, cho biết, trước tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy, cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người đang cai nghiện ma túy, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Cử tri xã Nhị Quý phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Trong đó bổ sung Chương IV “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy", đồng thời sửa đổi toàn diện Chương V “Cai nghiện ma túy" theo hướng nâng cao hiệu quả công tác chữa trị, cai nghiện. Các quy định trong dự thảo Luật này và Luật Xử lý vi phạm hành chính (đang được sửa đổi, bố sung) khi được ban hành cùng với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành sẽ góp phần cụ thể hóa các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng răn đe nghiêm khắc hơn.

Đồng thời, trong thời gian tới Bộ Công an tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội bổ sung, hoàn thiện Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11 tháng 5/2021) để tổ chức thi hành, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy; đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật do người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra./.

(Theo Báo Ấp Bắc)