CÔNG TÁC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VỀ THỪA PHÁT LẠI VẪN CÒN CHẬM

13/03/2021

Báo cáo tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua về công tác thi hành án năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về Thừa phát lại vẫn còn chậm.

Về công tác hoàn thiện thể chế Thừa phát lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về một số nội dung đã thực hiện trong thời gian thí điểm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp (bổ sung lĩnh vực Thừa phát lại). Việc hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động Thừa phát lại bước đầu tạo hành lang pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại. Những quy định này bước đầu đáp ứng yêu cầu tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia các hoạt động do Thừa phát lại thực hiện. Một số nội dung trước đây đã thực hiện thí điểm nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện bổ sung đối với thể chế về Thừa phát lại, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này, từng bước đưa hoạt động Thừa phát lại đi vào nề nếp, phát triển ổn định; đồng thời đảm bảo sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia các hoạt động do Thừa phát lại thực hiện. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo một số nội dung.

Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, đối với tổ chức, tính đến hết tháng 9/2020, toàn quốc có tổng số 99 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập (tăng 13 Văn phòng so với năm 2019) tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thêm 21 địa phương so với năm 2019); có 634 Thừa phát lại (tăng 50 Thừa phát lại so với năm 2019).

Đối với kết quả hoạt động, từ ngày 01/10/2019 đến ngày 30/9/2020, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 766.169 văn bản (trong đó: tống đạt văn bản của Tòa án là 760.758 và của cơ quan thi hành án dân sự là 5.411); lập 60.801 vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án 05 việc; thụ lý tổ chức thi hành án 14 vụ việc. Tổng doanh thu đạt hơn 128 tỷ đồng (Phụ lục X). Như vậy, mặc dù kết quả vẫn còn hạn chế nhưng công tác phối hợp giữa Văn phòng Thừa phát lại với các cơ quan thi hành án dân sự vẫn được triển khai thực hiện trên tất cả các mặt công tác (tống đạt văn bản, xác định điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành các vụ việc về thi hành án theo đơn yêu cầu).

Về hạn chế, khó khăn, Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn chậm; kết quả hoạt động mặc dù có tăng về giá trị tuyệt đối so với năm trước nhưng vẫn còn khiêm tốn; kết quả hoạt động chưa đồng đều ở các địa phương và ở từng hoạt động cụ thể; hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và hoạt động tổ chức thi hành án dân sự giảm về số vụ việc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân của nhưng tồn tại này là do nhận thức về chế định Thừa phát lại có nơi, có lúc còn chưa thống nhất; về phía người dân, còn có tâm lý băn khoăn, e ngại khi sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại; Trình độ, năng lực, đạo đức hành nghề của đội ngũ Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ còn hạn chế; Cơ quan, người làm công tác quản lý hoạt động Thừa phát lại ở một số địa phương còn ít kinh nghiệm thực tiễn.../.

Hồ Hương