Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành hữu quan và toàn thể thành viên khóa XIV của Ủy ban Kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tháng 7/2016, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV đã được tổ chức và bầu các chức danh, tổ chức bộ máy của Quốc hội, trong đó Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV được hình thành với hơn 40 thành viên, Thường trực Ủy ban Kinh tế gồm 9 đồng chí Sau gần 5 năm trôi qua, hôm nay các thành viên Ủy ban cùng nhau ngồi lại để trao đổi, đánh giá về những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, bài học, qua đó góp phần triển khai công việc tốt hơn trong thời gian tới. Có thể khẳng định, kết quả đạt được trong hoạt động của Ủy ban Kinh tế nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có sự đóng góp tích cực của từng thành viên Ủy ban Kinh tế. Sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm là thành viên Ủy ban đã giúp các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Kinh tế vững tin, chủ động trong triển khai các công việc của Ủy ban Kinh tế bảo đảm về tiến độ và chất lượng công việc.
Trong quá trình hoạt động, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội mà trực tiếp là sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; tiếp đó là sự ủng hộ, phối hợp kịp thời của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và báo chí truyền thông. Một sự đóng góp quan trọng không thể không nhắc đến là sự làm việc tận tụy của các đồng chí công chức trong Vụ Kinh tế, đã tham mưu, chuẩn bị chu đáo và chất lượng các nội dung để phục vụ Ủy ban Kinh tế thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Kinh tế đã đóng góp phần không nhỏ và rất quan trọng vào thành công chung của Quốc hội khóa XIV, trong đó đã góp phần xây dựng, thông qua 13 luật, 2 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội, 01 pháp lệnh và 01 nghị quyết của UBTVQH giải thích luật; thẩm tra 09 báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội, 03 báo cáo của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, chủ trì xây dựng các nghị quyết 5 năm, hàng năm của Quốc hội về kinh tế-xã hội, nghị quyết 5 năm về cơ cấu lại nền kinh tế; chủ trì phục vụ 03 chuyên đề giám sát của Quốc hội, 01 chuyên đề giám sát của UBTVQH, tổ chức 01 chuyên đề giám sát của Ủy ban Kinh tế; tổ chức 02 phiên giải trình; phục vụ Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia mà hiện nay đã được khởi công và được kỳ vọng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới. Trong nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch Quốc hội hi vọng Ủy ban tiếp tục kế thừa những kết quả nổi bật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.
Theo báo cáo tổng kết của Ủy ban, nhiệm kỳ 2016 – 2021, về công tác lập pháp, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua 13 luật và 02 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có 05 luật ban hành mới, 08 luật sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, Ủy ban còn tham mưu trình UBTVQH ban hành 01 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung và 01 nghị quyết giải thích luật. Có thể kể ra một số dự án luật, nghị quyết quan trọng như Luật Đấu giá tài sản năm 2016; Luật Quản lý ngoại thương năm 2017; Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (năm 2017); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017, Luật sửa đổi bổ sung một số luật liên quan đến quy hoạch; Luật Cạnh tranh năm 2018; Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020.
Về công tác giám sát, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra 09 báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, 03 báo cáo của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, Ủy ban đã chủ trì triển khai 03 chuyên đề giám sát của Quốc hội, 01 chuyên đề giám sát của UBTVQH và 01 chuyên đề giám sát của Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu một số nội dung tại Hội nghị
Về công tác thẩm tra các nội dung liên quan đến việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban đã dự thảo 06 Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến và trình Quốc hội thông qua. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra nhiều nội dung quan trọng như: trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…
Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ qua cũng còn những hạn chế, bất cập, mà nổi bật nhất là khối lượng công việc chuyên môn thường xuyên ở mức độ lớn đã tạo ra nhiều áp lực cho bộ phận Thường trực Ủy ban và Vụ giúp việc. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm; sự bất ổn về kinh tế vĩ mô, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19 cũng đặt ra cho Ủy ban những vấn đề mới, những nhiệm vụ nặng nề hơn trong việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết, Ủy ban đã có một số kiến nghị cụ thể, gửi Quốc hội, UBTVQH; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội để khắc phục những vướng mắc.
Tại Hội nghị, các thành viên Ủy ban cũng bày tỏ sự tán thành cao với báo cáo tổng kết, đồng thời các thành viên Ủy ban cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm quý báu qua nhiệm kỳ khóa XIV.
Kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kinh tế theo luật định và kết quả các hoạt động trong nhiệm kỳ khóa XIV, có thể nói Ủy ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Tập thể Thường trực Ủy ban đoàn kết, tích cực, chủ động, phát huy được trí tuệ tập thể Ủy ban và Thường trực Ủy ban; phát huy được năng lực, sở trường của từng thành viên Ủy ban và Vụ tham mưu, giúp việc. Trong nhiệm kỳ tới, Ủy ban sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, để đóng góp tốt hơn cho công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, thúc đẩy hiệu quả quá trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên trường Quốc tế./.